“Xoay trục” - lại một lầm lạc chính trị
Vọng Đức
Trên một số trạng mạng xã hội gần đây xuất hiện một mệnh đề liên quan đến chính trị Việt Nam nghe khá lạ tai: “Đảng cộng sản Việt Nam cần “xoay trục”. Mệnh đề này nằm trong bài trả lời (mà thực chất là “bật tường” giữa hãng BBC) với người được xem là đứng đầu NGO: “Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết của Việt Nam”. Ông này nói với BBC rằng: “Bây giờ để có ứng xử tử tế, đàng hoàng, nhân văn với nhau… thì chỉ có điều kiện xoay trục về nhân dân, xoay trục về dân tộc, thì chúng ta mới có thể tìm mọi phương sách, tìm mọi giải pháp vừa đúng đắn, tiến bộ, nhân văn, để đối xử với nhau trong nội bộ của dân tộc… Đấy là … vấn đề lớn phải đặt ra” hiện nay.
Khái niệm “xoay trục” về chính trị được sử dụng trong vài ba năm lại đây, khi Tổng thống Barack Obama, tuyên bố (vào năm 2012) Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng chiến lược quân sự sang châu Á, Thái Bình Dương, được gọi là “Xoay trục sang châu Á”, tất nhien vì lợi ích của Hoa Kỳ. Song khái niệm “xoay trục” ông Giám đốc NGO nói ở đây là nhằm gợi ý Đảng cộng sản Việt Nam chuyển hướng chính trị, mà thực chất là thay đổi chế độ chính trị. Ông Giám đốc nói rằng: Cần “xoay trục về nhân dân và dân tộc” để có cách ứng xử đúng với nhau…”. Ý ông muốn ngầm nói: Cái “trục”, mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta từ xưa đến nay đã hướng vào mục tiêu, lợi ích khác, chứ không phải là nhân dân. Nghĩa là cách ứng xử giữa Đảng với dân là chưa ổn (!)
Có thể nói quan điểm và nhận thức của ông Giám đốc là một sự xuyên tạc lịch sử Dân tộc Việt Nam và cố tình bóp méo vai trò lãnh đạo 85 năm qua của Đảng ta. Thực tế cho thấy sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo chỉ vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, ngoài ra không vì một lợi ích nào khác; không vì “ trục” nào khác. Chúng ta không phủ nhận thực trạng kinh tế, xã hội của Việt Nam đang còn không ít vấn đề cần phải giải quyết như Nghị quyết T.Ư 4 ( khóa XI) đã chỉ ra, nhưng không thể phủ nhận được công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới (1986-2015) đã đạt được những thành quả to lớn, diện mạo đời sống xã hội được thay đổi đáng kể, vị thế quốc gia, dân tộc được nâng cao. Cũng cần phải nói thêm rằng, cuộc đấu tranh kiên quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông vừa qua chẳng lẽ không phải xoay xung quanh cái “trục” lợi ích của dân tộc và nhân dân hay sao?
Còn ông giám đốc cho rằng cách ứng xử “với nhau” giữa Đảng với dân là chưa ổn thì đây là một sự bịa đặt đầy ác ý. Những quan điểm, nhất là hành vi nào đó nằm ngoài các quy định pháp luật không thể gọi là cách “đối xử với nhau” được. Việc những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị các cơ quan chức năng xử lý mà gọi là “đối xử với nhau” là một sự nhầm lẫn tai hại!
Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong điều kiện của một nước còn nghèo nàm, lạc hậu, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam một mặt ra sức phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mặt khác tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN, của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, chẳng lẽ đường lối đó cũng cần phải “xoa trục”. Việt Nam đã, đang và sẽ phải làm mọi cách để bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc với những phương thức tối ưu, chứ không phải với bất cứ giá nào.
Như vậy có thể nói, điều mà ông Giám đốc trả lời BBC rằng, Việt Nam cần phải “xoay trục” với những hàm ý nói trên là xuyên tạc lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 85 năm qua. Đó là một sai lầm về khoa học, lầm lạc về chính trị.
V. Đ