Xóa đói giảm nghèo phải thực sự hiệu quả và bền vững
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng: đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như những chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời, kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn bộc lộ những mặt chưa đạt như mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế...
Để hướng đến sự giảm nghèo bền vững, các đại biểu cho rằng cần phải thay đổi cơ cấu cũng như phương thức tổ chức, sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc sang những ngành nghề phi nông nghiệp; khuyến khích phát triển doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nông nghiệp với quy mô phù hợp. Mặt khác, cần phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, mới nâng cao năng suất nông nghiệp. Đồng thời, sớm có "đạo luật" hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn. Chính phủ cần đánh giá lại chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo do quỹ đất không có khả năng đáp ứng. Qua đó, để có chính sách sinh kế cho người dân thông qua cơ chế chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển hệ thống nhà ở xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, để giảm nghèo bền vững cần phải phát triển sản xuất hàng hóa, từ đó tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân ổn định cuộc sống. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo không nên dàn trải mà cần trung có trọng điểm, trước mắt ưu tiên những vùng thật sự khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Ngoài ra, mặc dù người nghèo đã thoát nghèo nhưng thực chất họ vẫn rất khó khăn; do đó, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch...
Chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế cùng với sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng y tế cơ sở… đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế với sự hỗ trợ của Nhà nước đã tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, đáp ứng cơ bản mục tiêu đảm bảo an sinh trong chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế của người nghèo ở các địa bàn khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với các khu vực khác. Tỷ lệ người cận nghèo mua bảo hiểm y tế rất thấp. Số xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia, thiếu nhân lực chuyên môn ở các bệnh viện, dịch vụ và cơ sở hạ tầng y tế, giao thông đi lại ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn hạn chế đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cũng như cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là người nghèo ở các khu vực này. Để khác phục những mặt hạn chế trên, các đại biểu đề nghị: Chính phủ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đặc biệt người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách để đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng này khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tuyến trong phạm vi địa bàn tỉnh được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
Để tiếp tục xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo sản xuất nông lâm ngư nghiệp và tiêu thụ được sản phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng cần tập trung hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao phát triển giao thông, thông tin liên lạc; lựa chọn cây trồng, vật nuôi, hàng hóa có lợi thế, tiếp cận thị trường thuận lợi; tăng cường hệ thống khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; tạo điều kiện để hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất nâng cao thu nhập; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh ở các vùng nghèo.
PV