Xin cho con vào mặt trận (25/01/2011)

Trở về nước, Hoàng Khắc Tiệp say sưa với những công việc của Đảng giao, hết chiến đấu tiễu phỉ ở biên giới, lại lo huấn luyện quân sự cho dân quân du kích, rồi trở thành trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến. Sau khi chỉ huy cho Trung đoàn Thủ đô vượt vòng vây một cách táo bạo, về tới căn cứ, Bộ Tổng tư lệnh điều ông về giữ chức Trung đoàn phó Trung đoàn 72.

Lúc này ông đã 29 tuổi, vẫn chưa lập gia đình. Thế rồi sau lần đánh đồn Pháp tại huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn, trong niềm vui chiến thắng, ông bắt gặp một ánh mắt khác lạ của cô gái có tên là Hoàng Thị Định, là cháu của một đồng chí cán bộ Việt Minh tỉnh Bắc Kạn. Cô gái hỏi ông có phải là trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu ở Hà Nội? Ông trả lời: Phải. Không ngờ cô gái đó lại biết khá nhiều chuyện về Trung đoàn Thủ đô, từ chuyện được Bác Hồ khen chiến đấu dũng cảm, đến việc tổ chức cho trung đoàn vượt sông một cách tài tình bằng thân cây chuối mà bọn giặc canh gác dày đặc trên cầu Long Biên vẫn không phát hiện được. Cô gái còn biết ông được Bác Hồ tặng cho bộ quần áo ka-ki…

Sau buổi gặp, ánh mắt của cô gái đó cứ ám ảnh ông. Chẳng lẽ cô gái lại yêu mình? Ông tự hỏi như vậy và tự trả lời: Mình không lấy vợ bây giờ được, chiến tranh ác liệt lắm. Vả lại cô gái kia còn quá trẻ, kém ông hàng chục tuổi, lại đẹp nữa, chẳng lẽ lại yêu mình? Đang suy nghĩ miên man như vậy, bất chợt đồng chí cán bộ Việt Minh tỉnh là bác của cô gái đó đến thăm ông. Hoá ra bác của cô đã kể chuyện về ông cho cô cháu gái nghe và muốn gả cháu gái của mình cho ông. Trong bụng thì rất mừng, nhưng ông chẳng dám nhận lời ngay. Bác của cô gái đó nói vui rằng. “Tính của ông nóng như lửa, phải có người vợ dịu dàng như cháu của tôi thì mới làm nên sự nghiệp”.

Lúc chuẩn bị cưới cũng là lúc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn (mùa thu năm 1947), mở màn cho chiến dịch chúng tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Tuy vậy lễ cưới vẫn diễn ra hết sức trang trọng với sự có mặt của hầu hết các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, có cả đồng chí Chu Huy Mân, trung đoàn trưởng Trung đoàn 72 (sau là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị). Vừa cưới xong, ông Siêu Hải nhận nhiệm vụ đi chiến đấu ngay, mãi ba tháng sau mới có đêm tân hôn, sau đó ông cũng đi biền biệt. Chình vì vậy cho đến năm 1952, ông bà mới có con đầu lòng. Sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, ông vội vã đạp xe từ Điện Biên về Bắc Kạn thăm vợ, kết quả thêm cháu thứ hai...

Năm 1958, thực hiện chiến lược chuyển một số cán bộ, chiến sĩ của quân đội sang làm kinh tế, Hoàng Siêu Hải xin chuyển ngành về cơ quan Tỉnh uỷ Cao Bằng. Đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, Bộ Quốc phòng mời ông trở lại quân ngũ. Lúc đó một số phương tiện thông tin phương Tây đã đưa tin “Tướng hổ xám rừng xanh Siêu Hải trở lại chiến trường”. Nhưng ông cảm thấy sức khoẻ đã giảm sút nên không dám nhận. Ông đã động viên nguời con trai đầu và là con thứ ba của gia đình là Hoàng Trung Phong làm đơn xin nhập ngũ khi chưa đủ 17 tuổi. Không dừng lại ở đó, ông Hải còn nhờ hai người bạn của mình là Hoàng Văn Thái và Hoàng Minh Thảo cho con của mình vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam…

HÀ ĐỖ PHÚ