Xích lại gần nhau
Thương mại song phương giữa Nga - Trung Quốc đã tăng gần 14 lần vào năm 2020.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu lắng xuống và căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây chưa được hạ nhiệt, Moscow phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc lại đơm hoa kết trái cả trên lĩnh vực chính trị và thương mại.
Trái với việc ngày 6-12, Mỹ thông báo rằng nước này sẽ không cử các quan chức chính phủ tới Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 trong tháng 2-2022 nhằm phản đối các hành động liên quan đến nhân quyền của Trung Quốc, thì trước đó, ngày 23-11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên cho biết Tổng thống Nga - Vladimir Putin đã “vui vẻ nhận lời” tới dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2022 và hai bên đang phối hợp để tổ chức chuyến thăm này.
Việc Nga sớm khẳng định sự xuất hiện của ông Putin tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 trong lúc Mỹ và một số nước mới đang lấp lửng chuyện tẩy chay sự kiện thể thao quốc tế này cho thấy quan điểm muốn đẩy mạnh quan hệ Nga-Trung của Moscow. Đó mới chỉ là về mặt chính trị. Trên lĩnh vực thương mại, quan hệ Nga - Trung còn thực chất hơn. Ngày 30-12, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy cho biết Nga và Trung Quốc mong chờ kim ngạch trao đổi thương mại cả năm 2021 đạt mức kỷ lục 140 tỷ USD. Ông Trương Hán Huy tiết lộ: "Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1 đến 11-2021, kim ngạch thương mại Trung - Nga lên tới 130,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước đó lên mức cao kỷ lục và sẽ đạt trên 140 tỷ USD tính cho cả năm". Như vậy, trong 20 năm thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đã tăng gần 14 lần, từ 8 tỷ USD năm 2000 lên 107,77 tỷ USD vào năm 2020 và hai bên đặt mục tiêu cao hơn khi muốn nâng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương lên con số 200 tỷ USD. Những con số trên thực sự ấn tượng khi cao hơn cả kim ngạch song phương trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nhìn vào tổng thể kim ngạch song phương Nga - Trung mới thấy năng lượng chiếm phần lớn và mang tính chiến lược trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Đại sứ Trương Hán Huy cho biết: Trung Quốc là nước tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng lớn nhất trên thế giới và Nga là "đối tác tốt nhất và nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy của Trung Quốc". Vậy nên, cũng không bất ngờ khi Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết: Doanh nghiệp này đã lập kỷ lục về lượng khí đốt cung cấp trong 1 ngày cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia” - hệ thống vận chuyển khí đốt lớn nhất ở miền Đông nước Nga, cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng Nga ở Viễn Đông và Trung Quốc với công suất xuất khẩu là 38 tỷ mét khối khí đốt/năm.Thông báo của Gazprom nêu rõ: “Ngày 23-12, một kỷ lục lịch sử đã được ghi nhận đối với nguồn cung khí đốt hằng ngày từ Nga sang Trung Quốc”. Kỷ lục thì diễn ra một lần còn thực tế theo Tổng giám đốc Gazprom, ông Alexei Miller, kể từ tháng 11-2021, lượng khí đốt công ty cung cấp cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia” đã vượt 1/3 nghĩa vụ hợp đồng hằng ngày với các đối tác Trung Quốc.
Như vậy, Moscow và Bắc Kinh đã có điểm tương đồng về lợi ích. Với tư cách là nước xuất khẩu khí đốt, Nga đã hoàn thành dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga qua biển Baltic sang Đức, một dự án đầy tham vọng và đã được bơm đầy khí, sẵn sàng đáp ứng cơn khát năng lượng của Đức và châu Âu vào mùa đông này. Thế nhưng, dưới sức ép của Mỹ, Nga chưa thể bán khí đốt cho Đức và chưa biết khi nào dòng chảy này mới được khơi thông. Hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc đã được ký năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bắt đầu chịu sức ép của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, và lượng khí đốt đầu tiên chuyển tới Trung Quốc tháng 11-2019. Điều này cho thấy Nga có thể đã lường trước được những khó khăn về kinh tế nên tăng cường thương mại với Trung Quốc là lối mở khả thi. Như vậy, việc Washington châm ngòi cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ như một cú huých hai người khổng lồ Nga và Trung Quốc hợp lực.
Washington và phương Tây có thể áp đặt các lệnh trừng phạt, áp thuế với hàng hóa của Nga và Trung Quốc nhưng rõ ràng không thể nào ngăn cản việc hai cường quốc có chung biên giới này xích lại gần nhau.
Thanh Huyền