Những nhóm người nghèo, người sống nhờ vào bảo trợ xã hội hầu như không có thêm bất cứ khoản thu nhập nào khác để chống đỡ với sự gia tăng phi mã của giá cả. Trong khi nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng bức bách khiến cho tất cả các gia đình nghèo đều phải cắt cắt giảm các chi tiêu khác như giáo dục, y tế và những yêu cầu thiết yếu khác.

Một số chính sách mà Chính phủ thực hiện gần đây chưa thực sự đến được với người nghèo như giá điện trợ cấp cho người nghèo không đến được với những người lao động di cư tự do, không đăng kí nhân khẩu và thường phải trả tiền điện thông qua chủ nhà trọ. Người lao động không chính thức, người di cư nghèo, người sống chung với HIV và người khuyết tật ít được tiếp cận với an sinh xã hội và các dịch vụ cơ bản…

Bên cạnh đó, chính sách bình ổn giá đang được thực hiện tại các thành phố lớn không mang lại lợi ích cho người nghèo. Người nghèo không mua thực phẩm ở các “cửa hàng bình ổn giá” do giá ở các cửa hàng này không thấp hơn nhiều so với giá thị trường, các mặt hàng nghèo nàn, không được vay nợ - điều này trái ngược với nhiều cửa hàng địa phương. Tại các vùng dân tộc thiểu số, các vùng miền núi cao, lạm phát cao cũng đang tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 80 và Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước. Ở vùng nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới đang được thực hiện trên cả nước với mục tiêu đưa nông thôn tiến gần tới thành thị.

Cùng với các giải pháp đảm bảo an sinh của Nghị quyết 11 và sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, Phó thủ tướng cho rằng đời sống của các đối tượng nghèo, dễ bị tổn thương trong xã hội sẽ từng bước được cải thiện trong thời gian tới.

Quỳnh Anh (TH)