Theo thống kê, cả nước hiện có 68.781 biên chế là người DTTS trên tổng số 588.453 biên chế, chiếm tỷ lệ 11,68%. Trong đó, số lượng cán bộ, công chức người DTTS đảm đương các chức vụ từ cấp huyện trở lên chiếm tỷ lệ 6,94%. Tỷ lệ cán bộ người DTTS được bầu vào cấp ủy, chính quyền, HĐND cấp huyện, xã ngày càng được nâng lên theo từng năm, đảm bảo số lượng cán bộ người DTTS theo tỷ lệ người dân tộc tại các địa phương.
Mặc dù được chú ý phát triển nhưng lực lượng cán bộ người DTTS hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó quan trọng là thiếu về số lượng và chất lượng còn nhiều hạn chế. Hầu hết các tỉnh miền núi hiện nay chưa thể tự cân đối được lực lượng cán bộ tại chỗ, phải nhờ vào sự điều động, tăng cường từ các ngành Trung ương và các địa phương khác đến. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các huyện vùng cao, vùng xa vẫn chủ yếu do các cán bộ tăng cường đảm nhiệm.
Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều nhưng tựu trung bao gồm: Đội ngũ cán bộ người DTTS được đào tạo cơ bản và chuyên sâu rất hạn chế, số chưa đào tạo chiếm tỷ lệ cao trên 60%, đặc biệt đối với số cán bộ chuyên trách cấp xã. Năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý của cán bộ tại chỗ ở một số địa phương có đông đồng bào DTTS còn nhiều bất cập khi có tới gần 21 nghìn cán bộ chưa qua đào tạo. Đến nay, trên phạm vi toàn quốc còn 10 dân tộc chưa có người học đại học, 35 dân tộc chưa có người có học vị trên đại học.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có chiến lược, phương hướng, các giải pháp, kế hoạch, bước đi vững chắc, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm, nguyên tắc của Đảng và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác cán bộ. Đảng, Nhà nước ta luôn xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Gắn liền với đó là các kế hoạch, chính sách và pháp luật, chủ trương, biện pháp xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ công tác ở miền núi, đặc biệt là đội ngũ cán bộ DTTS.
Trong thời gian tới, cơ sở pháp lý để thực hiện tốt công tác cán bộ người DTTS của Đảng từ Trung ương đến địa phương là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc và Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT ngày 11-9-2014 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS; cán bộ người DTTS có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế, điều kiện, yêu cầu cụ thể của địa phương để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người DTTS tại địa phương.
Kim Loan