Xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía Bắc

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý về chủ trương Mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai từ gần 80 km vuông hiện nay lên hơn 202 km vuông nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời cho phép xây dựng thí điểm Khu hợp tác qua biên giới có diện tích 11 km vuông, làm “hạt nhân phát triển” của Khu Kinh tế cửa khẩu. Thủ tướng cũng cho biết, để tạo lập một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại để Lào Cai phát triển nhanh và bền vững trong nhiều năm tới, Chính phủ sẽ đàm phán về nguồn vốn để tiếp tục nâng cấp tuyến cao tốc đoạn Yên Bái - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe; chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để nghị đầu tư xây dựng dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hải Phòng; bổ sung quy hoạch và nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy phân bón DAP thứ 3 của Việt Nam tại Lào Cai; đồng ý về nguyên tắc cho phép thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao tại Sa Pa và Bắc Hà với quy mô 300 ha và đưa Lào Cai trở thành một trung tâm giống cây ôn đới của khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Không có cách nào khác là tỉnh phải phát huy và đi lên từ chính thế mạnh và tiềm năng của mình để phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng đề nghị Lào Cai cần tập trung khắc phục mọi khó khăn, hạn chế; khai thác tối đa những điều kiện mới đã và đang hình thành, nhất là đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong 4 lĩnh vực là kinh tế cửa khẩu; công nghiệp luyện kim và phân bón; nông nghiệp ôn đới và du lịch. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, Thủ tướng đề nghị Lào Cai cần huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Mặc dù có những bước phát triển vượt bậc sau 23 năm tái lập tỉnh song Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới 20%, do đó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải hết sức quan tâm đến công tác giảm nghèo, đảm bảo thu nhập, việc làm, nâng cao đời sống nhân dân gắn với công tác xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý là một tỉnh miền núi, biên giới nên Lào Cai phải hết sức quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường và đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, quan hệ hợp tác, phát triển cùng có lợi với Trung Quốc trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Theo Báo cáo của tỉnh Lào Cai, đến hết năm 2013, sau 22 năm tái lập, quy mô kinh tế đã tăng gấp 10 lần, GDP bình quân đầu người tăng gấp gần 60 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 69 lần so với năm 1991 (năm tái lập tỉnh). Cùng khoảng thời gian này, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ tăng từ 39% năm 1991 lên 82% năm 2013. Thu ngân sách đạt hơn 4.800 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.200 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD, thu hút được 1,26 triệu lượt khách du lịch. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của tỉnh, Lào Cai hiện vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới bằng ¾ bình quân chung cả nước, thu ngân sách mới đáp ứng được 30% nhu cầu chi, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 20% và hộ cận nghèo là 12%, 113 xã/146 xã, phường thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo dự báo của tỉnh, với mức độ tăng trưởng và nguồn lực đầu tư dự kiến thì đến năm 2020, Lào Cai sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 10.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD; thu hút 4 đến 5 triệu khách du lịch và tỉnh sẽ tự cân đối được ngân sách (khoảng 12.000 – 13.000 tỷ đồng)./.
Hùng Sơn