Xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách năm 2012 (18/06/2011)

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 922/CT-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2011 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Việc xây dựng kế hoạch phát triển KTXH phải thể hiện được các nội dung cơ bản như: tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối.

Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, kiểm soát chặt chẽ và minh bạch hóa chi ngân sách nhà nước và đầu tư công, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước; giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và giữ nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia ở mức an toàn, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Chỉ thị nêu rõ về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2012, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%; giảm tỷ trọng đầu tư công, tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước, tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có chất lượng, giá trị tăng cao, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Đồng thời, cũng phải tập trung khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị tăng cao. Giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu là nguyên liệu thô và sơ chế; hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu. Bên cạnh đó, phải tiếp tục năng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các bậc học; hướng tới việc xây dựng chuẩn hóa nền giáo dục Việt Nam; tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình, dự án về giảm nghèo nhằm bảo đảm giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt, năm 2012 phải tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiềm chế và ngăn chặn có hiệu quả tội phạm xuất phát từ tệ nạn ma túy, mại dâm; tập trung thực hiện nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, bảo đảm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia...

Về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2012 phải bảo đảm mức động viên vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 24% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân tối thiểu 16-18% so với đánh giá ước thực hiện năm 2011. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng tối thiểu 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2011.

Đối với việc xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2012, các cơ quan đơn vị cần sắp xếp thứ ưu tiên theo mức độ quan trọng của các nhiệm vụ; khả năng triển khai các nhiệm vụ theo các chương trình, dự án được duyệt trong năm 2012 và các năm sau.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong tháng 6/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn khung kế hoạch phát triển KTXH và số dự kiến giao thu chi ngân sách nhà nước năm 2012; trong tháng 8/2011, tổng hợp kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; đồng thời, dự kiến phương án phân bổ các chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2012.

Trong tháng 9/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 để Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước...

Bảo Lâm