Xây dựng đường biên trong lòng dân

Thượng tá Phạm Văn Tôn không phải là điển hình duy nhất của BĐBP Thanh Hóa làm tốt công tác dân vận. Từ năm 2012 đến nay, Thiếu uý Nguyễn Sỹ Tiến của Đồn biên phòng Tén Tằn đã trực tiếp mở và giảng dạy được 3 lớp với 176 học viên. Từ lớp học của Thiếu uý Tiến, phong trào học tập đã lan ra toàn xã, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tén Tằn từ một xã có học sinh đến tuổi mà không đến trường chiếm tỷ lệ cao và học sinh bỏ học nhiều thì đến nay tình trạng trên đã được chấm dứt. Nhờ được học tập, bà con đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống; các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được xóa bỏ; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn ổn định.
Theo Đại tá Hoàng Minh Luyện-Tham mưu trưởng BCH BĐBP Thanh Hóa (Đơn vị Anh hùng LLVTND), là lực lượng nòng cốt bảo vệ 192 km biên giới đất liền, 102 km bờ biển của tỉnh Thanh Hóa, 5 năm qua, BĐBP Tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và tham gia xây dựng, củng cố hàng trăm chi bộ thôn, bản; thành lập 3.257 tổ an ninh trật tự, 266 tổ tàu thuyền tự quản; xác lập, đấu tranh có hiệu quả hàng trăm chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ, bắt và xử lý gần 1.000 vụ vi phạm pháp luật…, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo. Các tổ, đội công tác biên phòng bám, nắm địa bàn; rà soát đội ngũ cán bộ ở các xã, bản, trên cơ sở đó có kế hoạch phát triển đảng viên và đào tạo, bồi dưỡng kịp thời để tạo nguồn bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Đến nay, 100% thôn, bản của 58 xã, phường biên giới, hải đảo đều có đảng viên; trong 3 năm qua đã có 62 công dân là người dân tộc Mông được kết nạp Đảng; 95 thôn, bản từ yếu kém vươn lên vững mạnh.
Thông qua phong trào “Quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc”, rất nhiều vụ việc xảy ra ở biên giới đã được giải quyết ổn thỏa, êm ấm. Điển hình là vụ tranh chấp đất giữa bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn với bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát xảy ra nhiều năm nay, làm phức tạp tình hình an ninh trên địa bàn. Trước tình hình đó, BĐBP đã tham mưu cho chính quyền địa phương phát huy vai trò và tiếng nói của người có uy tín trên địa bàn vào giải quyết vụ việc. Nhờ đó, nhân dân các bên tranh chấp hiểu rõ những qui định của pháp luật và của địa phương, tình hình không còn căng thẳng, tạo điều kiện cho chính quyền giải quyết dứt điểm việc tranh chấp nói trên, góp phần giữ gìn sự ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.
Các đơn vị BĐBP Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tham gia khảo sát từng địa bàn về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước… để thực hiện tốt công tác định canh, định cư, nhất là đối với các hộ di, dịch cư tự do của đồng bào Mông, giúp họ ổn định cuộc sống. Phối hợp với cơ quan khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế biển. Nhiều mô hình được triển khai đã đem lại hiệu quả KTXH cao, được đồng bào hưởng ứng và áp dụng rộng rãi như: mô hình trồng lúa nước, ngô lai hai vụ cho năng suất cao trên địa bàn các huyện miền núi; mô hình tổ tàu thuyền tự quản, đoàn kết trên biển… BĐBP còn phối hợp với các ngành chức năng của Tỉnh mở hàng chục lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; thành lập 17 ban quân-dân y kết hợp chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên tuyến biên giới.
Thượng tá Phạm Văn Tôn cho biết: “Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tôi xây dựng cho mình tác phong làm việc gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin và thực sự coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt..”. Hình ảnh các chiến sỹ BĐBP Thanh Hóa “ba cùng” với nhân dân phát triển KTXH, dạy chữ, chữa bệnh, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai... ngày càng sâu đậm trong lòng nhân dân và đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo. Đường biên vững chắc bởi nó được xây dựng trong lòng dân.
ĐỨC BÌNH