Xây dựng đường bay "Đường bay vàng" cần được xem xét tổng thể (07/12/2009)
Sau 10 giờ tranh luận gay gắt về hiệu quả kinh tế của "đường bay vàng" tại Hội thảo, các bên liên quan vẫn chưa thống nhất và khẳng định được đề xuất mở đường bay này có hiệu quả hay không.
Hội thảo đã chia thành 2 luồng ý kiến rõ rệt. Một bên là cựu phi công Mai Trọng Tuấn và một số chuyên gia với quan điểm đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM dọc theo kinh tuyến 106 độ Đông hay còn gọi là Đường bay vàng sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Phía Cục Hàng không VN, Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), Bộ GTVT thì đưa ra các luận điểm ngược lại.
Về tính hiệu quả Đường bay vàng, ông Mai Trọng Tuấn đề nghị nên cụ thể nếu thực hiện theo Đường bay vàng, khoảng cách từ Hà Nội đi TP.HCM sẽ rút ngắn 142 km so với đường bay hiện tại, giảm được 12 phút bay, tiết kiệm được 1.500 lít nhiên liệu, tương đương 30 triệu đồng/chuyến bay hoặc 550 tỉ đồng/năm với tần suất khai thác bay hiện nay. Ngoài ra, nếu quãng đường bay rút ngắn được 142km tương đương 11% cự ly, đương nhiên các hãng hàng không phải giảm giá vé. Khi đó, hành khách chỉ phải trả 1,53 triệu đồng/người, thay vì mức trần là 1,7 triệu đồng như hiện nay.
“Đường hàng không là đường thẳng nối với hai điểm; còn hiện tại, hàng không VN đang theo đường vòng” - Ông Trần Đình Bá, người đã từng đưa ra mức thách cược 5 triệu USD với Cục Hàng không khẳng định
Phản bác Đường bay vàng, ông Bùi Văn Võ, Trưởng ban Quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không cho rằng đề xuất này “quá sơ sài về mặt chuyên môn và dựa vào nhiều thông tin lạc hậu”. Theo ông Võ, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng qua phối hợp với các đơn vị hữu quan đã nghiên cứu, thiết lập ra 2 phương án bay theo hướng của Đường bay vàng và thấy có ngắn hơn so với đường bay hiện tại khoảng 40-60 km nhưng không thể có bất kỳ phương án đường bay nào có cự ly chỉ là 1.000 km để dẫn tới việc tiết kiệm nhiên liệu và thời gian bay như đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn.
Về hiệu quả kinh tế, đại diện Cục Hàng không cho rằng Đường bay vàng sẽ không có hiệu quả vì chi phí hàng không sẽ tăng thêm do phải đóng tiền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho Lào, Campuchia (320 USD và 454 USD đối với loại tàu bay B777, chưa kể phụ thu trong ngày nghỉ và ngày lễ của Campuchia) và phải chịu các khoản phí, lệ phí đối với chuyến bay quốc tế.
Tại hội thảo, đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đều cho rằng việc việc rút ngắn đường bay là hết sức cần thiết và luôn được quan tâm. Tuy nhiên, việc xây dựng đường bay phải được xem xét tổng thể bao gồm an ninh, quốc phòng, kinh tế…
Kết luận hội thảo, đại diện Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - đơn vị tổ chức Hội thảo vẫn chưa đồng tình với mức thời gian tiết kiệm được chỉ 2 phút rưỡi như đại diện Vietnam Airlines tính toán và yêu cầu phía Vietnam Airlines cần phải làm rõ hơn. Hội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tổ chức cuộc gặp khác để thẩm định và giải thích với các nhà khoa học phương án mà Vietnam Airlines đưa ra.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã đồng ý với đề xuất này và mời ông Mai Trọng Tuấn tham gia tổ công tác nghiên cứu và xem xét lại việc tính toán các thông số kỹ thuật về hiệu quả "đường bay vàng".
Nguyễn Hoàng