Xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” (24/05/2012)

Sau hơn một năm thực hiện tại ĐBSCL và hiện đang nhân rộng mô hình tại bốn tỉnh phía Bắc cho thấy việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là xu thế tất yếu của sự liên kết sản xuất và tiêu thụ; đồng thời là giải pháp thiết thực đảm bảo tính bền vững cho sản xuất lúa ở nước ta.

Nước ta là nước nông nghiệp với diện tích đất trồng lúa khoảng 3,8 triệu ha, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có khoảng 7.000m2 đất trồng lúa và nếu tính riêng đồng bằng sông Hồng thì con số này còn thấp hơn nhiều, do vậy việc thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn” để nâng cao sản lượng lương thực đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực đất nước và phục vụ xuất khẩu lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Tính tại thời điểm vụ hè thu năm 2011, ĐBSCL có 12/13 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trên tổng diện tích 7.803 ha với 6.400 hộ nông dân; đây thực sự là con số ấn tượng trong vụ đầu thực hiện. Tại An Giang, vụ đông xuân 2011-2012 là lần thứ tư mô hình được Công ty bảo vệ thực vật An Giang triển khai ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành trên diện tích 3.500 ha với sự tham gia của 1.463 hộ nông dân; trung bình mỗi hộ có gần 2,4 ha; hộ cao nhất có 20 ha. Tại huyện Thoại Sơn, mô hình đầu tiên thực hiện trên diện tích 1.500 ha với 498 hộ, trung bình mỗi hộ có 2,4 ha. Tại tỉnh Cần Thơ, hiện có 9 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với diện tích 1.832 ha… đã giúp các bên tham gia được thụ hưởng lợi ích một cách cao nhất; trong đó nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và các giá trị gia tăng cho lúa. Thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn” tiến tới dịch vụ hóa các khâu từ giống, làm đất, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, góp phần gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; các công ty liên kết cung cấp tới tận tay người nông dân, hạn chế tối đa các khâu trung gian nên giá thành sản xuất lúa giảm đi rõ rệt, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân, không còn chuyện mất mùa được giá, được mùa rớt giá hay tồn đọng sản phẩm khi các thương lái ép giá thu mua. Kết quả khảo sát tại Cần Thơ cho thấy, vụ đông xuân năm 2011-2012 mô hình tại huyện Vĩnh Thạnh năng suất tăng 4,6% (360 kg/ha) so với ngoài mô hình và tăng 7,46% (620 kg/ha) so với trước khi tham gia mô hình; tỷ lệ lợi nhuận cũng tăng 28,38% (4,8 triệu đồng/ha). Tại mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại An Giang, vụ đông xuân năm 2010-2011, người nông dân có lãi 33,1 triệu đồng/ha trên tổng thu 51,3 triệu đồng/ha… lợi nhuận thu được của người nông dân đạt hơn 50% tổng thu trên diện tích 1 ha, vượt mức quy định là tạo điều kiện để người trồng lúa có lãi 30%.

Tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đang được triển khai thực hiện tại TP Hà Nội và ba tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa; trong đó Nam Định có 11 xã với diện tích 565 ha với hơn 3.000 hộ nông dân tham gia, trung bình 0,14 ha/hộ; tỉnh Thái Bình triển khai tại HTX Ngô Xá, xã Nguyên Xá huyện Vũ Thư và thôn 1 xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương, diện tích 50 ha và 396 hộ nông dân tham gia, trung bình mỗi hộ 0,12 ha… đang đạt được những kết quả khả quan. Trên thực tế, đây là một kết quả đáng khích lệ khi khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại các địa phương phía Bắc là quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân thấp và manh mún, dù một số nơi đã hoàn thiện việc dồn điền đổi thửa thì trung bình cũng chỉ đạt khoảng ba sào/hộ; ngoài ra, người nông dân vẫn giữ tập quán sản xuất nông nghiệp tự túc tự cấp nên gây khó khăn lớn cho việc sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa. Việc phát triển mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, dồn điền đổi thửa đang rất cần được phát triển sâu rộng ra tất cả các địa phương

Sau hơn một năm thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại ĐBSCL và bốn tỉnh, thành phố phía Bắc cho thấy, mô hình này đã khắc phục được hạn chế lâu nay của sản xuất lúa gạo nước ta là sự manh mún, mạnh ai nấy làm, khâu trung gian đẩy giá thành vật tư tới tay người nông dân quá cao, lợi nhuận của người nông dân khó đạt 30%. Thay vào đó, “Cánh đồng mẫu lớn” đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT, nông dân yên tâm về chất lượng vật tư nông nghiệp và đầu ra sản phẩm; sự chia sẻ công bằng hơn về lợi nhuận giữa các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay.

Để thực hiện định hướng của Bộ NNPTNT là đến hết năm 2012 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” có 40-80 nghìn ha, năm 2013 đạt 100-200 nghìn ha, đến năm 2015 đạt 1 triệu ha, chúng ta cần phải tiếp tục triển khai đồng bộ việc liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước), đầu tư củng cố hệ thống doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ lúa với tiềm năng tài chính quy mô và ổn định, nâng cao trình độ người nông dân, tiếp tục đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cho người nông dân… để tiến lên nền sản xuất nông nghiệp lớn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao ở trong nước và xuất khẩu.

Bài và ảnh: Ánh Băng