Xao xác làng chài (02/07/2009)
Những tháng gần đây, thôn Cang Gián, một làng chài ven biển ở phía Nam sông Bến Hải 3km thuộc xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị như có bão. Người dân ở đây xao xác vì Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép cho Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan tại thôn.
Titan là một khoáng sản kim loại quý, được sử dụng để tạo ra nhiều sản phẩm cao cấp, dùng trong nhiều ngành công nghệ cao. Việc khai thác nguồn tài nguyên này, trước mắt tạo nguồn thu ngân sách cho các địa phương, lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp và nguồn thu nhập lớn cho người dân trên địa bàn. Vậy tại sao người dân làng chài Cang Gián lại phản ứng dữ dội và làm đơn khiếu nại việc khai thac titan trên quê hương mình?
Trong những năm qua, khi việc khai thác titan chưa trực tiếp ở làng Cang Gián, mà mới diễn ra ở xã láng giềng Gio Mỹ, nhân dân xã Trung Giang, trong đó có thôn Cang Gián đã phải chịu bao nhiêu hệ lụy. Cây dương liễu, cây tràm được trồng sau khi khai thác titan (đất hoàn thổ) không sống nổi, các cồn cát ngày càng tiến sát ruộng vườn của người dân Cang Gián, hoa màu trồng trên ruộng gần đó bị khô héo, năng suất thu hoạch ngày càng suy giảm... Việc khai thác titan do không trông coi cẩn thận khiến một cháu trai học lớp 9 bị chết thê thảm, hai ngày sau mới tìm thấy xác. ở thôn Cẩm Phổ kế cận Thủy Khê, việc khai thác titan đã gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước... nhân dân đang kêu cứu.
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định cho phép Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan ở thôn Cang Gián, trên diện tích 156,83 ha, ngày 28-8-2008 UBND tỉnh Quảng Trị có Công văn số 2198/UBND - NN giao cho Sở NN - PTNT hướng dẫn Công ty TNHH Thống Nhất lập hồ sơ chuyển đồi rừng nhằm phục vụ việc khai thác titan theo quy định. Sau khi kiểm tra tài liệu, bản đồ và hiện trường, ngày 5-9-2008, Sở NN - PTNT có Công văn số 465/CV-SNN báo cáo với UBND tỉnh diện tích rừng nói trên (trong đó có 61,7 ha rừng phòng hộ chắn cát bay ven biển thuộc Dự án 773 và Dự án 661, không trùng khớp với đề nghị của UBND tỉnh), cụ thể: Rừng phòng hộ chắn cát bay ven biển trồng năm 1995 (dự án 773 là 40,2 ha); rừng phòng hộ chắn cát bay ven biển trồng năm 2005 (Dự án 661 là 21,5 ha; hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; thì diện tích 61,7 ha rừng nói trên thuộc đối tượng phòng hộ chắn cát bay ven biển, không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng để khai thác khoáng sản titan tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Công văn do Phó giám đốc Trương Văn Khanh ký.
Như vậy là đã rõ! Công ty TNHH Thống Nhất không được phép khai thác titan ở thôn Cang Gián, huyện Gio Linh!
Cũng cần nói thêm, trên diện tích được giao khai thác titan ấy, chỉ có 1,7 ha là đất trống ngập mặn, số còn lại là diện tích rừng trồng cây phi lao bằng vốn ngân sách đầu tư của Nhà nước và rừng trồng kinh tế bằng vốn tự có của người dân.
Là người dân làng chài ven biển, người dân Cang Gián hiểu rằng thảm họa đang đến với mình khi những cánh rừng phòng hộ bị đốn hạ do việc khai thác titan đem lại, không chỉ với những người đang sống hôm nay và với cả thế hệ mai sau.
Thời gian cứ trôi và mặc dù những người dân Cang Gián đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, kêu cứu các cấp chính quyền ở tỉnh Quảng Trị; nhưng không hiểu bằng cách nào, 1.500 cây ở rừng phòng hộ vẫn được chặt để bán với giá 30.000.000 đồng; các ngày 11 và 12-2-2009 Công ty Thống Nhất vẫn cho xe tới đào đấp, lập giàn khoan, ngày 15-3-2009 tập trung lực lượng hùng hậu để tiến hành khai thác, được sự bảo vệ của công an xã Trung Giang và huyện Gio Linh. Trước đó, không ít người, trong đó cả những cụ già 80 tuổi, CCB được mời lên xã, mỗi người một phòng riêng để công an xã, công an huyện hỏi thăm.
Việc khai thác khoáng sản titan có nhiều cái lợi, nhưng nếu khai thác bằng mọi giá, về lâu dài, theo cảnh báo của nhiều nhà khoa học, tỉnh Quảng Trị và ven biển miền Trung đang có nguy cơ bị hoang mạc hóa. Gió cát, bão biển sẽ tàn phá làng chài Cang Gián và không chỉ ở một làng chài này.
Viết về việc khai thác titan ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, chúng tôi muốn góp một tiếng nói, một tấm lòng với các cấp chính quyền ở tỉnh Quảng Trị, ở Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xin hãy lắng nghe nguyện vọng của người dân trước khi ra một quyết định liên quan đến sinh mệnh của họ.
Khi viết đến những dòng này, chúng tôi nhận được tin việc khai thác titan ở thôn Cang Gián đang tạm dừng. Chưa biết tạm dừng vì lý do gì, nhưng chúng tôi mong rằng đây là động thái báo hiệu điều đáng mừng?
Đỗ Tất Thắng