Xanh lại Tây Nguyên
Đợt hạn hán vừa qua, ở tất cả các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều chịu thiệt hại nặng nề, nhất là các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông với hơn 110.000ha cây công nghiệp (chủ yếu là hồ tiêu, cà phê, điều) bị ảnh hưởng, trong đó diện tích mất trắng toàn vùng ước tính khoảng 7.586ha, còn lại hơn 1.000ha bị ảnh hưởng từ 30-70%, gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và đời sống của người dân và địa phương. Cũng như nhiều gia đình khác trên địa bàn, gia đình ông Nguyễn Thanh Minh ở xã Ea Soi, huyện Ea Hleo (tỉnh Đắc Lắc) trồng được 2ha cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch, mặc dù đã cố hết sức để cứu nhưng do hạn hán quá nặng nên vườn cà phê nhà ông bị héo gần hết lá, ước tính năng suất giảm khoảng 70%. Ông xót xa trước cảnh một nửa vườn cà phê bị cháy khô mà vốn liếng của cả nhà đều đổ dồn vào đó. Cùng như gia đình ông Minh, thu nhập của người dân trong xã đều chủ yếu trông chờ vào cây cà phê. Do vậy, khi đầu tháng 6, khu vực Tây Nguyên có mưa diện rộng, không chỉ người dân Ea Soi mà người dân cả khu vực Tây Nguyên nói chung đều xắn tay, tập trung thời gian và thực hiện các biện pháp để cứu cây như vệ sinh vườn, tu bổ nạo vét các bồn cà phê để bón phân, hạn chế rửa trôi, cắt tỉa cành chồi, cành tăm, cành sâu bệnh, cành khô, tập trung dinh dưỡng nuôi cây chóng phục hồi.
Bên cạnh sự nỗ lực của người dân, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và nguồn dự phòng của địa phương, ngành NNPTNT và chính quyền các địa phương các tỉnh trong khu vực đã phân bổ và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương và người dân mua phân bón, cây giống.
Thông qua hệ thống chính quyền và ngành chức năng, công tác tuyên truyền các kỹ thuật nông nghiệp và định hướng phát triển cây công nghiệp với những giải pháp đồng bộ trên vùng đất Tây Nguyên đang được tiến hành sâu rộng đến người dân như hướng dẫn người dân thực hiện ghép cải tạo, cưa đốn phục hồi, trồng tái canh với những vườn cà phê khô héo thiệt hại năng suất 70%-100%; chuyển đổi sang cây trồng khác với những vườn cà phê bị chết thuộc vùng đất dốc liên tục bị thiếu nước; đốn tỉa, tạo tán, bổ sung cây che bóng, bón phân đúng liều lượng cho các vườn cà phê bị ảnh hưởng nhẹ và vừa. Các cán bộ Viện khoa học-kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đi sâu sát cơ sở, hướng dẫn người dân quản lý nước tưới, nhất là việc áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến cho cây cà phê. Được biết, thời gian qua, Viện đã nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê, được lắp đặt đơn giản và giá chỉ từ 20-40 triệu đồng. Kết quả thử nghiệm tại nhiều vườn cà phê cho thấy, các mô hình tưới nước tiết kiệm có thể tiết kiệm 20% lượng nước tưới và phân bón, tiết kiệm 15 triệu đồng chăm sóc mỗi ha mà cây vẫn phát triển tốt, năng suất không bị ảnh hưởng…
Trên khắp khu vực Tây Nguyên, từ Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng đâu đâu cũng thấy những con người đang đêm ngày cặm cụi làm việc trên những vườn cây, rừng cây. Một màu xanh tươi tốt từ hạt nước thiên nhiên, từ bàn tay cần cù chăm sóc của con người trên các vườn cà phê, hồ tiêu, cao su, điều đang trở lại, hàn vá những “vết sẹo” do trận đại hạn đầu năm gây ra. Tây Nguyên đang xanh trở lại, màu xanh của sức sống ngập tràn.
Tân Minh