Xã Yang Reh, huyện Kông Bông, Tỉnh Đắc Lắc: Đất đủ điều kiện sao vẫn gây khó cho dân?
Thửa đất của hộ Bùi Thị Yên sử dụng từ năm 1976 đến nay chưa được cấp GCNQSDĐ
Đất của 15 hộ dân thôn 2, thôn 3 và buôn Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc khai hoang, sử dụng hợp pháp, không tranh chấp từ năm 1976 đến nay, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Nhưng, trong quá trình làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, chính quyền xã Yang Reh và huyện Kông Bông đã gây khó.
Những hộ dân bị UBND xã Yang Reh gây khó trong quá trình làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ gồm: Y Đhen Niê, Y Đôi Êban, Y Tinh Byă, Y Kiệt Niê, Y Rôp Byă, Y Sliwam Byă, Y Ngăn Kpơr, Y Pbap Êban trú tại buôn Yang Reh; Bùi Thị Yên, Nguyễn Thị Út Hạnh, Phạm Ngọc Bình, Võ Minh Cảnh, Phạm Bá Hải, Nguyễn Hữu Hoàng trú tại thôn 2 và Trương Quốc Việt trú tại thôn 3. Đất của các hộ dân có nguồn gốc khai hoang để sản xuất (sản xuất lúa nước, trồng cây ngắn ngày, cây lâu năm) từ những năm sau giải phóng, với diện tích hộ ít nhất 2 sào, hộ nhiều 2ha.
Qua tìm hiểu cho thấy, trong 48 năm qua, đất của các hộ dân sử dụng ổn định, không có tranh chấp, cũng không nằm trong quy hoạch công trình, dự án nào của địa phương. Năm 1983, khi tỉnh Đắk Lắk triển khai xây dựng công trình Đập thủy lợi Yang Reh, trên diện tích hơn 50ha, thì đất của các hộ dân cũng không nằm trong diện thu hồi giải phóng mặt bằng. Năm 1986, đập Yang Reh tích nước, vận hành, một phần diện tích đất các hộ ở gần lòng hồ nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, phần diện tích còn lại là đất liền kề hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Yên, trú thôn 2, có 2ha đất không được UBND xã Yang Reh hoàn tất thủ tục để cấp GCNQSDĐ cho biết: “Năm 1976, gia đình tôi, cùng hàng chục hộ dân khác là công nhân của Xí nghiệp đá, thuộc Ty Giao thông - Vận tải Đắk Lắk (nay là Sở Giao thông Vận tải) đã ở tại đất Yang Reh này. Đời sống những năm đất nước mới giải phóng gặp muôn vàn khó khăn; lại thêm tàn quân Phunrô chống phá nên gia đình tôi cùng bà con dân tộc tại chỗ đã bám đất, cùng các lực lượng tham gia truy quét Phunrô, khai hoang nương rẫy để sản xuất, bảo đảm đời sống. Hơn 2ha rẫy của gia đình tôi cũng hình thành từ thời điểm đó và được quản lý, sử dụng ổn định đến nay”.
Tương tự, hộ Nguyễn Thị Út Hạnh có 2 sào khai hoang năm 1979; hộ Trương Quốc Việt có 5 sào nhận chuyển nhượng từ hộ Lê Xuân Đông có nguồn gốc khai hoang từ năm 1979. Năm 2006, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Bông đã đo đạc, lập bản đồ trích lục các thửa đất để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân. Cụ thể hộ Nguyễn Thị Út Hạnh, 2 sào đất thuộc các thửa đất 154, 155 và 160, tờ bản đồ số 34 có mục đích sử dụng trồng cây hằng năm; đất của hộ Bùi Thị Yên gồm các thửa 108, 150, 156, 157, tờ bản đồ số 34 có mục đích sử dụng là đất lúa nước và đất trồng cây hằng năm.
Với hiện trạng sử dụng đất và bản đồ trích lục các thửa đất của dân đang được lưu giữ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Bông, ông Lê Văn Hải, Phó giám đốc chi nhánh khẳng định: “Nếu đất không có tranh chấp, thì các hộ dân được làm thủ tục đăng ký cấp GCNQSDĐ theo quy định của Luật Đất đai. Cụ thể, sau khi có trích lục các thửa đất, các hộ dân sẽ kê khai lập hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ tại UBND xã, gồm xác nhận thực địa, ký giáp ranh, xác nhận của đơn vị quản lý công trình thủy lợi về diện tích đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình. Sau khi hồ sơ được công khai 15 ngày tại UBND xã mà không có khiếu nại, sẽ được nộp đến phòng một cửa để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ”.
Thế nhưng, đầu năm 2022, khi 15 hộ dân nói trên đến UBND xã để làm hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ đều bị UBND xã Yang Reh từ chối. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, cũng như trong văn bản trả lời dân về lý do từ chối hoàn tất hồ sơ, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho dân, Chủ tịch UBND xã Yang Reh, ông Huỳnh Tấn Lĩnh cho rằng: “Vì đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi!”.
Trong khi, ông Nguyễn Công Hạnh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk (đơn vị quản lý đập thủy lợi Yang Reh) cho biết: “Lâu nay, đơn vị đã tham gia ký xác nhận diện tích đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi để cấp GCNQSDĐ cho rất nhiều hộ dân có đất liền kề công trình thủy lợi. Đối với các hộ dân ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông, công ty chưa tiếp nhận bộ hồ sơ nào. Tuy nhiên, tôi khẳng định, đất của bà con chưa bị thu hồi, đền bù cho xây dựng công trình thủy lợi, đang quản lý, sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại Điều 157, Luật Đất đai 2013 và Điều 48 Luật Thủy lợi, kể cả diện tích đất trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Khi có đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, công ty sẽ xác nhận xem diện tích là bao nhiêu để hạn chế một số quyền của người sử dụng đất, như không xây dựng công trình, vật kiến trúc, trồng cây gây ảnh hưởng đến an toàn của công trình thủy lợi”.
Về việc chính quyền xã Yang Reh gây khó dân trong việc hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ, luật sư Lê Xuân Anh Phú, Công ty Luật TNHH MTV Tín Việt (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho rằng: “Theo quy định tại khoản 1, Điều 101, Luật Đất đai 2013; và Điều 21, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 thì đất của 15 hộ dân sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp, nên đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ mà không phải nộp tiền sử dụng đất. Chủ tịch UBND xã Yang Reh xác định: “Đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi” nhưng trên thực tế chưa có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt là không đúng”.
Cũng theo luật sư Lê Xuân Anh Phú, thì việc UBND xã Yang Reh từ chối hoàn tất hồ sơ, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho 15 hộ dân là thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ theo pháp luật về tổ chức UBND và quy định tại Điều 70, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ.
Bài và ảnh: Kiều Bình Định