Xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội:Đất tư “bỗng dưng” thành đất công?
Đất có nguồn gốcrõ ràng
Theo phản ánh của ông Vũ Văn Lưu (thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao), đầu tháng 7-2015, hệ thống loa truyền thanh của thôn đã phát thông tin, về việc UBND xã có chủ trương dọn dẹp vệ sinh thửa đất số 119, thôn Ninh Dương để làm nơi vui chơi cho trẻ em. Thửa đất này ông Lưu đã từng quản lý, sử dụng từ lâu, đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trước đó, Báo CCB Việt Nam đã có bài viết: “Một cựu quân nhân bị nhiễm chất độc da cam có nguy cơ bị khởi tố hình sự” đăng trên số 1081, ra ngày 23-7-2015, theo đó, ngày 23-6-2015, bà Đỗ Thị Mai (trú tại Thanh Cao, Thanh Oai) đã cùng 6 anh chị em bà Mai đến tranh chấp cho quay tôn sắt trên thửa đất số 144, diện tích 215m2 tại thôn Ninh Dương. Thửa đất này vốn dĩ có nguồn gốc là của cụ Vũ Văn Yến và cụ Nguyễn Thị Tuất. Hai cụ khi còn sống sở hữu một thửa đất thổ cư có diện tích 671m2 (hiện là thửa đất số 120, Bản đồ năm 1995) và hai cái ao (một cái là thửa 119 có diện tích 143m2 và một cái là thửa 144, diện tích 215m2) tại thôn Ninh Dương.
Về con cái cụ Yến và cụ Tuất có 2 người con đẻ và 1 người con nuôi là bà Đặng Thị Liên (mẹ đẻ bà Mai). Ông Lưu gọi cụ Yến và Cụ Tuất là bác ruột. Năm 1948 cụ Yến chết và đến năm 1986 cụ Tuất chết không để lại di chúc cho các con. Năm 1956 bà Đặng Thị Liên đã xuất giá, theo về nhà chồng nên nên từ đó 2 người con đẻ của cụ Tuất và cụ Yến còn lại là bà Vũ Thị Soạn (sinh năm 1919) và bà Vũ Thị Vi (sinh năm 1948) trực tiếp sinh sống và quản lý toàn bộ diện tích đất nêu trên. Năm 1999, bà Soạn mất (bà Soạn không chồng con) cũng không để lại di chúc và ông Lưu đã đứng ra thực hiện việc an táng. Người còn lại là bà Vi, bị câm điếc, không có khả năng lao động nên ông Lưu đã đứng ra nuôi dưỡng từ năm 1999 đến nay. Khi đó, thửa đất 119 là ao tù. Ông Lưu đã bỏ kinh phí ra tôn bồi đất, trở thành một bãi đất trồng rau màu và quản lý sử dụng thửa đất ấy.
Tuy nhiên, đến năm 2005, ông Đỗ Văn Nghi là chồng bà Đặng Thị Liên (bà Liên chết năm 1998) cùng các con đã khởi kiện đòi chia một phần đất của cụ Yến và cụ Tuất để lại. Vụ việc sau đó được toà án xác minh nguồn gốc thửa đất và một số văn bản xác nhận gia đình ông Lưu là người quản lý và sử dụng đất cũng như nuôi dưỡng bà Vi (câm điếc bẩm sinh) sau khi bà Soạn chết.
Cụ thể, tại bản án số 12/2005/DSST của TAND huyện Thanh Oai xác định, gia đình ông Lưu, bà Vi-là người đang quản lý và sử dụng thửa đất, trên quyền thừa kế của cụ Yến, cụ Tuất tại thửa đất 119 cũng như thửa số 144, 120.
Đến năm 2009, Tòa án có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đòi chia đất của ông Nghi và các con ông do phía nguyên đơn (gia đình ông Nghi) có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Vì vậy, sau khi trên hệ thống loa truyền thanh phát đi thông tin việc dọn vệ sinh thửa đất 119, ông Lưu đã gửi đơn làm rõ, đồng thời đề nghị địa phương hướng dẫn thủ tục kê khai cấp sổ đỏ cho gia đình. Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng qua, gia đình ông không nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào của UBND xã. Trong khi địa phương bắt đầu có những việc làm dọn dẹp vệ sinh trên thửa đất 119.
Địa phương thừa cơ..."đục nước"?
Trao đổi về vụ việc, ông Trần Văn Lợi-Chủ tịch UBND xã Thanh Cao, cho biết thửa đất 119 là đất công. Trung tuần tháng 6-2015, Ban lãnh đạo thôn Ninh Dương có đơn đề nghị UBND xã cho dọn dẹp vệ sinh môi trường thửa đất để làm nơi vui chơi cho các cháu. Sau khi nghe Ban địa chính xã báo cáo về thửa đất, tại Hội nghị có sự tham gia của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể đã thống nhất đồng ý cho thôn Ninh dương “dọn dẹp vệ sinh” thửa đất làm nơi vui chơi.
Tuy nhiên, khi PV hỏi về nguồn gốc thửa đất đã được TAND huyện Thanh Oai xác nhận ông Lưu và gia đình bà Vi là người quản lý thửa đất, có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Yến-cụ Tuất để lại, thì ông Lợi cho rằng: “Không biết ai cung cấp thông tin cho Tòa án về thửa đất này”, nhưng trên bản đồ năm 1995, thửa đất do xã quản lý, là loại đất ao. Xã không có nghĩa vụ phải xác minh ngược lại thông tin trong những bản án của tòa. "Nếu cần làm rõ hơn, phóng viên gặp Tòa hỏi"-ông Lợi đề nghị.
Ông Lợi cũng khẳng định không biết trước năm 1995, thửa đất 119 do ai quản lý, thuộc sở hữu của ai, vì hồ sơ địa chính trước trước năm 1995 cấp xã không có, cũng không lưu. Ông Lợi cho rằng nếu ông Lưu chứng minh được giấy tờ sở hữu hợp pháp trước năm 1995, thì UBND xã sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Liên quan đến việc xã cho dọn vệ sinh khu đất, ông Lợi cho biết: UBND xã không có quyết định nào cho xây dựng khu vui chơi cho trẻ em ở thửa đất này. UBND xã chỉ đồng ý cho thôn dọn vệ sinh khu đất sạch sẽ. Khi nào xã có kế hoạch sử dụng thì sẽ lấy lại...
Rõ ràng chính quyền xã chỉ cho dọn vệ sinh, nhưng không hiểu sao ngày 10-9-2015, trưởng thôn Ninh Dương đã huy động người dân đến san ủi, đổ bê tông kiên cố, cho trồng cây và dựng 4 chiếc ghế đá ngay ngắn trên thửa đất 119 (ảnh).
Nói về vấn đề trên, Luật sư Đào Thị Liên (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Việc UBND xã Thanh Cao đòi quyền làm chủ thửa đất này là không có căn cứ cả về pháp luật và thực tiễn. Cụ thể, nguồn gốc thửa đất là của cụ Yến-Tuất để lại, về nguyên tắc, nếu gia đình ông Lưu không hiến, tặng cho Nhà nước thì không thể xác lập được quyền sử dụng đất này cho UBND xã Thanh Cao. Mặt khác, thực tiễn sử dụng đất đã được ghi nhận qua các bản án của các cấp tòa án sau quá trình điều tra, xác minh là gia đình ông Lưu (các chị ông Lưu là bà Soạn, bà Vi) mới là người thực tế quản lý, sử dụng đất.
Trong quá trình quản lý đất đai, khi hồ sơ địa chính có sự khác biệt với thực tế sử dụng đất được phát hiện qua các kỳ kiểm kê, thống kê đất đai, UBND xã phải thực hiện thủ tục đính chính, cập nhật thông tin đất đai cho phù hợp chứ không thể một mặt xác định với tòa án chủ sử dụng đất là ông Lưu và gia đình, một mặt lại giữ nguyên thông tin chủ sử dụng đất trên hồ sơ địa chính là UBND xã, tự tạo ra sự mâu thuẫn cho chính chính quyền với mục đích “chiếm” đất của người dân.
Cũng theo Luật sư Liên, việc UBND xã Thanh Cao nói không lưu hồ sơ địa chính từ năm 1995 về trước là không thực hiện đúng qui định của Nhà nước vì trách nhiệm của UBND xã là phải lưu hồ sơ, lưu bản đồ địa chính qua các thời kỳ (Điều 15 Luật Đất đai 1993, Điều 19 Luật Đất đai 2003, Điều 96 Luật Đất đai 2013 và Thông tư 24/2014 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường).
Như vậy, có thể thấy qua lời của Chủ tịch xã Thanh Cao nói trên thì rõ ràng UBND xã này đã vi phạm quy định về quản lý đất đai, không cập nhật và chỉnh lý bản đồ địa chính cho đúng hiện trạng sử dụng đất và thống nhất thông tin đất đai mà tòa án các cấp đã xác minh; không giải quyết thấu đáo các đề nghị chính đáng của người dân, thể hiện ở việc trong khi người dân (gia đình ông Lưu) có đơn đề nghị xem xét đính chính thông tin đất đai từ tháng 7, UBND xã Thanh Cao chưa giải quyết mà lại cho thôn Ninh Dương san ủi, đổ bê tông, trồng cây trên đất vào tháng 9 là vi phạm qui định của Nhà nước về giải quyết đơn thư-Luật sư Liên nhìn nhận.
Được biết, ông Lưu là người có công với nước, một nạn nhân chất độc da cam. Ông Lưu nguyên là đội biên chế tại Đại đội 17, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320; từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng trị năm 1968 và chiến đấu ở Nam Lào năm 1969. Quá trình chiến đấu, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì vậy, đề nghị UBND xã Thanh Cao, UBND huyện Thanh Oai sớm xem xét lại toàn bộ vụ việc nêu trên và sớm có giải pháp cấp sổ đỏ để gia đình ông Lưu-bà Vi ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Doanh Chính