Xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên: Người dân bức xúc vì ô nhiễm
Mới đây, Tòa soạn Báo CCB Việt Nam đã nhận được đơn thư của công dân xã Minh Hải (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) phản ánh về việc Công ty TNHH Tuấn Cường có cơ sở sản xuất nằm trên địa phận xã Minh Hải tái chế chất thải ni lon nhập khẩu gây ô nhiễm nguồn nước, gây tiếng ồn và thải vào không khí nguồn khí độc hại gây hại đến sức khỏe người dân các thôn Ao, thôn Khách và thôn Hoàng Nha; ngoài ra còn vi phạm mua bán và sử dụng đất nông nghiệp trái quy định, khi người dân phản đối đã đưa người nơi khác về gây gổ…
Theo nội dung đơn thư công dân, PV Báo CCB Việt Nam đã về công tác tại địa phương. Sau khi được biết nội dung đơn thư, đồng chí Nguyễn Song Hỷ, Chủ tịch UBND xã Minh Hải đã xác nhận các nội dung trong đơn thư, Công ty TNHH Tuấn Cường do ông Nguyễn Xuân Bằng là giám đốc hoạt động tại địa phương từ năm 2005 đến cuối năm 2013 không gây điều tiếng gì với người dân địa phương, nhưng từ đầu năm 2014 được bổ sung ngành nghề kinh doanh giặt bao bì, tạo hạt tái chế nhựa phế thải; đưa về sân Công ty hàng trăm công-ten-nơ nhựa phế thải nhập khẩu các loại, triển khai hoạt động các loại máy móc giặt các loại phế thải này và gia nhiệt, tạo thành hạt nhựa nguyên liệu. Từ các hoạt động này, Công ty Tuấn Cường đã thải hàng ngàn mét khối nước thải chưa qua xử lý ra môi trường chết lúa, tôm cá xung quanh khu vực; gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Hơn thế nữa, khí thải độc hại với mùi khét lẹt nồng nặc theo chiều gió đưa vào khu dân cư thôn Ao chỉ cách tường rào nhà máy hơn 100 m. Không chỉ vậy, Công ty Tuấn Cường còn bí mật mua 300m2 ruộng của gia đình ông Tuyên (thôn Ao) nằm bên cạnh công ty để rồi đưa máy xúc về đào làm chỗ chứa nước thải… Ngày 24-4, khi người dân phát hiện sự việc đã ra phản đối, không cho thi công thì nhiều người lạ mặt đã xuất hiện tại hiện trường, nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cán bộ địa phương thì đã xảy ra những rắc rối lớn.
Chúng tôi đã về thôn Ao tìm hiểu tình hình. Trao đổi với PV, các anh chị Nguyễn Văn Lập, hội viên CCB, Trưởng thôn; Nguyễn Văn Đáng, hội viên CCB, Bí thư chi bộ; Nguyễn Văn Khuy, hội viên CCB, Hội Người cao tuổi thôn Ao; Vũ Thị Thanh, hội viên Hội Phụ nữ… đều xác nhận tình hình này và mong muốn các cấp chính quyền xã Minh Hải, huyện Văn Lâm và tỉnh Hưng Yên vào cuộc xử lý tình hình, không để cho Công ty Tuấn Cường tiếp tục gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Được biết, dưới áp lực của người dân và chính quyền, một số ngày qua, Công ty đã ngừng sản xuất để xây hệ thống xử lý nước thải trong khuôn viên và nay lại bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên các loại nước thải, tiếng ồn và khí thải độc hại vẫn như cũ. Chị Vũ Thị Thanh bức xúc: “Tại sao họ lại có quyền nhập khẩu chất thải nhựa độc hại về tái chế để chúng tôi phải chịu ô nhiễm thế này? Có phải họ làm động tác xây bể xử lý để tạo tiếng, lòe cơ quan Nhà nước, còn người dân chúng tôi vẫn cứ phải ngửi, phải nghe, phải dùng nước thải độc hại của họ?
Dẫn chúng tôi đi thăm hiện trường xung quanh nơi sản xuất của Công ty Tuấn Cường, các CCB thôn Ao chỉ cho chúng tôi khu đất ruộng đào nham nhở với lá cờ cắm mốc, nơi đã xảy ra tranh chấp giữa người dân và Công ty; những đoạn tường bị phá để mở khu chứa nước thải nay đã được bịt bằng những tấm tôn nhưng qua khe hở, chúng tôi vẫn nhìn rõ những kiện rác thải ni lon nhập khẩu nằm đầy trong sân. Chúng tôi đã đến tận miệng cống nước thải sát bờ tường của Công ty Tuấn Cường, được chứng kiến dòng nước đục trắng như sữa đang chảy ra ngoài đồng, mùi thuốc sâu và mùi ni lon cháy khét lẹt. “Đấy, anh ạ, họ nói là giặt bao bì sữa nên có màu trắng nhưng thực tế toàn mùi khét độc hại; dối dân để tiếp tục sản xuất chất độc hại ô nhiễm đấy. Hiện trường còn nguyên nhưng lại chuẩn bị báo cáo lên là đã xử lý ô nhiễm, lại tiếp tục làm; dân chúng tôi lại tiếp tục bị ô nhiễm thôi”.
Được nghe, được đến tận nơi tìm hiểu và chứng kiến, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Văn Lâm và tỉnh Hưng Yên cần vào cuộc điều tra cụ thể tình hình và có biện pháp xử lý kiên quyết không để tiếp diễn cảnh nhập chất phế thải, tái chế thu lợi rồi người dân bị ô nhiễm từ Công ty Tuấn Cường; giữ gìn an ninh trật tự, ngăn chặn những chuyện đáng tiếc ở địa phương.
Nhóm PV
Báo CCB Việt Nam