Xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa:Vội vàng cưỡng chế, đẩy một gia đình CCB vào khốn khó?
Cả đời com cóp…
Theo kiến nghị của CCB Nguyễn Văn An, trú tại thôn Thanh Xuyên, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa gửi tới cơ quan báo chí thì gia đình ông trước kia ở trong làng, diện tích đất rộng 352m2. Năm 1983, biết gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (người cùng thôn) sinh sống ở ngoài bãi cồn bờ sông, sình lầy, hoang vu, đường đi lối lại khó khăn muốn chuyển vào trong làng sinh sống. Thời điểm này, gia đình ông An lại đang cần diện tích đất rộng để tăng gia sản xuất. Vì vậy, giữa ông An và ông Hạnh đã viết giấy đổi đất cho nhau, có xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thửa đất của ông Hạnh nằm giáp bờ sông, không có diện tích rõ ràng nên trong giấy đổi đất chỉ mô tả mốc giới trên thực địa “kéo dài từ ngang cây cột điện và cây phi lao vào sông đến hết cồn Bắc và Nam”.
Sau khi đổi đất, gia đình ông An đã đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để san lấp cải tạo khu đất, đồng thời khai hoang phục hóa, mở rộng thêm diện tích xung quanh. Năm 2010, diện tích đất gia đình ông An quản lý là 1.400m2. Cuối năm 2012, khu cải tạo hoàn thành, gia đình ông An làm đơn xin được cấp Giấy CNQSDĐ nhưng không được giải quyết…
Xã Hải Thanh là xã ven biển, trải qua nhiều năm, thiên tai bão lũ đã “tấn công” vào nhà cửa, vườn tược của nhân dân khiến gia đình ông An bị thiệt hại. Bên cạnh đó, dự án xây dựng âu tầu tránh trú bão đã nạo vét một khối lượng lớn bùn đất đổ lên bờ khiến cho nhà cửa, vườn tược của gia đình ông An và nhiều gia đình khác bị thiệt hại nghiêm trọng. Tường rào của gia đình ông An được xây dựng từ năm 2005 bị hư hỏng nặng. Đầu tháng 7-2014, Nhà nước có chính sách ưu tiên cho hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, gia đình ông An đã mạnh dạn làm đơn xin vay vốn để đầu tư “dự án” chăn nuôi. Số tiền vay theo diện hộ nghèo, gần 25 triệu đồng gia đình ông An mua vật liệu cát, gạch, xi măng và tiến hành xây dựng lại tường rào trên nền móng của bức tường cũ bị đổ. Thế nhưng, khi tiến hành xây dựng, UBND xã Hải Thanh đã đến lập biên bản vì cho rằng công trình vi phạm trật tự xây dựng, nhưng lại không đưa ra được cơ sở nào chứng minh việc gia đình ông An vi phạm.
Tiếp đó, ngày 20-8-2014, ông Trần Hùng Vương-Chủ tịch UBND xã Hải Thanh ký thông báo về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng-đất đai. Cùng ngày, ông Vương ký tiếp “Quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt hành chính”, yêu cầu gia đình ông An phải tháo dỡ tường rào, khắc phục hậu quả xong trước ngày 22-8-2014. Điều đáng nói cả 2 văn bản trên được ông Huấn-Phó Công an xã gửi cho gia đình ông An vào sáng 21-8. Buổi chiều cùng ngày, gia đình ông An đã đến UBND xã Hải Thanh nộp đơn khiếu nại. Nhưng…
**
Chính quyền phớt lờ khiếu nại, vội vàng… cưỡng chế?**
Sáng 22-8-2014, trong khi chưa giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông An, UBND Hải Thanh đã gấp rút cho tổ chức phá dỡ tường rào của gia đình ông, bỏ qua các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình ông.
Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng và báo chí, ông An trình bày: “Cả đời tích cóp được ít tiền, cộng với số tiền 25 triệu đồng vay theo diện hộ nghèo để làm kinh tế, gia đình tiến hành xây dựng chuồng trại chăn nuôi mong sớm thoát nghèo, nhưng xây gần xong thì bị UBND xã Hải Thanh biến toàn bộ tường rào, chuồng trại thành… đống gạch vụn”.
Trả lời báo chí liên quan đến việc cưỡng chế, ông Trần Hùng Vương-Chủ tịch UBND xã Hải Thanh đưa ra quan điểm: Gia đình ông An có 352m2 ở trong làng đổi cho ông Hạnh thì ra ngoài này cũng chỉ nhận được diện tích tương tương. “Chúng tôi xác định gia đình ông An lấn chiếm…” - ông Vương nói. Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên, thời điểm lấn chiếm và lấn chiếm vào đất của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì ông Chủ tịch UBND xã Hải Thanh không trả lời được.
Đề cập đến vấn đề đơn khiếu nại của ông An tại sao chính quyền xã Hải Thanh không giải quyết theo quy định của pháp luật mà đã vội vàng cưỡng chế? Vị chủ tịch UBND xã Hải Thanh lại cho rằng “…Cũng có lúc làm thì không thể đúng hết được. Nhưng nếu ông ấy (ông An-PV) khi xây dựng mà trao đổi trước chúng tôi thì sẽ không xảy ra như vậy”(?).
Theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định: Đất của gia đình ông An có nguồn gốc từ việc đổi đất với gia đình ông Hạnh. Căn cứ quy định tại Mục III Quyết định 201/CP ngày 1-7-1980 của Chính phủ thì việc đổi đất này hoàn toàn hợp pháp. Sau khi đổi đất, gia đình ông An tiến hành khai hoang phục hóa mở rộng ra vùng đất lân cận và cải tạo sử dụng 1.400m2 liên tục trên 30 năm, không có tranh chấp, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai. Do đó, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 48 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, thì gia đình ông An đủ điều kiện để được cấp Giấy CNQSDĐ đối với toàn bộ diện tích đất trên…
Được biết, gia đình ông An đã có đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng huyện Tĩnh Gia đề nghị sớm làm rõ đúng sai. Và hiện nay, Thanh tra huyện Tĩnh Gia đang vào cuộc để tiến hành làm rõ đơn kiến nghị, tố cáo của gia đình ông An. Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc khi có tình tiết mới.
Chính Nhi