Xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An): Mở hướng làm giàu cho hội viên
Hội viên CCB và nhân dân xã Diễn Ngọc ra cảng cá Lạch Vạn đón tàu, vận chuyển hải sản.
Xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có 3km bờ biển vùng Cửa Lạch tạo ngư trường rộng lớn; lại có quốc lộ 1A, Sông Bùng chạy qua nên thuận tiện cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và kinh doanh. Để phát huy tiềm năng này, Ban Chấp hành Hội CCB xã Diễn Ngọc tham mưu với Đảng ủy, UBND xã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển, gắn với làm thương mại, dịch vụ mở hướng làm giàu cho hội viên.
Đảng ủy, UBND xã lập đề án phát triển làng nghề, chuyển 4 HTX nghề cá truyền thống trước đây để thành lập 2 Hiệp hội đánh bắt cá xa bờ ở độ sâu 30m nước trở ra. Mỗi Hiệp hội có từ 120 đến 150 thuyền viên. Đồng thời kiện toàn củng cố 3 làng nghề chế biến hải sản, nông sản và thành lập mới làng nghề đóng tàu, thuyền Nam Thịnh, mỗi năm đóng mới, sửa chữa hơn 300 tàu thuyền. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như làm đường giao thông, xây kè chắn sóng, điểm neo đậu tàu thuyền tránh bão, Nhà văn hóa xóm cũng được Hội CCB xã phối hợp với các đoàn thể trong khối mặt trận làm tốt.
Ban Thường vụ Hội CCB luôn bám sát cơ sở, giúp nhân dân, hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; lo vốn, vật tư, nguyên liệu, tìm thị trường tiêu thụ hải sản… thực hiện các chính sách cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất thấp của Ngân hàng CSXH; đóng tàu xa bờ theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định 67; kéo điện ra bãi để làm VAC. Đối với 60ha bãi bồi, mặt nước thì tham mưu với UBND xã đấu thầu, giao khoán cho dân nuôi trồng thủy sản, trồng cây chắn sóng. Lực lượng dân quân biển và đội ngũ thuyền viên phần lớn là CCB và CQN làm nòng cốt trong đánh bắt cá ở độ sâu 30m nước trở ra. Khi biển yên gió lặng thì đánh bắt hải sản, khi gặp sự cố thì làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn bảo vệ tính mạng tài sản cho nhân dân.
Ban Chủ nhiệm các HTX, làng nghề không còn “khoán trắng” mà cùng lo, cùng làm với nhân dân. Mùa vụ nào HTX và Hội CCB cũng phối hợp tổ chức tập huấn quy trình chế biến thủy hải sản theo hướng Việt Gáp. Với phương châm “Cần gì học nấy, học rồi làm ngay”, 4 năm qua, toàn xã có 260 hội viên CCB, 300 thuyền viên đánh cá xa bờ và hơn 850 lao động trẻ được học qua các lớp điện dân dụng, may công nghiệp, thuyền trưởng, máy trưởng, kiến thức trồng trọt chăn nuôi, chế biến hải sản...
Ban Chấp hành Hội CCB xã Diễn Ngọc vận động nhân dân và hội viên chuyển được 60% số chi hội và hội viên chuyển sang đánh bắt, chế biến và làm dịch vụ nghề cá. Hơn 20% số gia đình và hội viên sản xuất muối sạch, gieo trồng thâm canh lúa lai và làm kinh tế VAC. Hơn 16% số hội viên có tiềm lực kinh tế, kiến thức kinh doanh được tạo mọi điều kiện để làm thương mại, dịch vụ. Nhiều người đầu tư thành lập doanh nghiệp, công ty TNHH để kinh doanh máy nông cụ, ngư cụ, cung ứng xăng dầu, các mặt hàng nông sản, hải sản, mua phương tiện cung ứng các mặt hàng hải sản phục vụ bà con các bộ tộc Lào. Khi đi họ mang theo cá, tôm, mực, muối i-ốt, nước mắm... Khi về, họ chở sắt thép phế liệu và các loại cây dược liệu đã qua sơ chế. Đến nay, đã có 11 cơ sở CCB thu gom phế liệu để cung ứng cho các nhà máy. Nghề chế biến nước mắm, làm giá đậu, nộm sứa, bánh đa nem, bánh mướt, bánh đúc đã trở thành phổ biến. Không chỉ ở 4 làng nghề mà còn lan tỏa ra các xóm Ngọc Minh, Trung Yên, Trường Tiến, Hồng Yên, thu hút hàng trăm gia đình CCB tham gia. Ở các chi hội Hồng Yên, Trung Yên, Trường Tiến, nhờ có những nghề này mà nhiều hộ thoát nghèo. Hội viên cao tuổi thì làm giây thừng cung ứng cho các chủ tàu, thu nhập mỗi tháng từ 4 đến 5 triệu đồng/người. Hơn 20 gia đình hội viên nuôi trồng thủy sản, với diện tích 12ha cũng cho thu nhập từ 150 đến 160 triệu đồng 1ha/năm.
Sự bứt phá nông nghiệp gắn với chuyển đổi kinh tế theo hướng hàng hóa đã làm thay đổi cung cách làm ăn của bà con ngư dân và Hội CCB xã. Đến nay, mỗi năm xã Diễn Ngọc đánh bắt từ 14.000 đến 16.000 tấn hải sản, chiếm 40% tổng sản lượng hải sản toàn huyện; chế biến và tiêu thụ 2,5 đến 3 triệu lít nước mắm mang thương hiệu Vạn Phần. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt từ 420 đến 450 tỷ đồng/năm, trong đó doanh thu nghề biển đạt 270 tỷ đồng. Thu ngân sách hơn 10 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm. Hội CCB và CQN Diễn Ngọc trở thành lực lượng làm kinh tế năng động, góp phần đắc lực trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. Chỉ tính 41 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giỏi, mỗi năm đạt doanh thu 145 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đóng góp hàng chục tỷ đồng tiền thuế và làm nhiều việc tình nghĩa nhân đạo. Các tiêu chí khác như xây dựng đường, trường, trạm, nhà văn hóa, giáo dục y tế, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự đều có công đóng góp của cán bộ, hội viên CCB.
Chủ tịch hội CCB xã Diễn Ngọc - Đào Quang Diễn cho biết: Đội ngũ cán bộ CCB từ xã đến xóm đều năng động đi đầu trong mọi mặt công tác. Nhiều chi hội đã chọn một số trọng tâm để thực hiện như giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hiến đất làm đường giao thông, xây dựng mô hình đánh bắt cá xa bờ cho thu nhập cao, hùn vốn cho con em CCB đi xuất khẩu lao động, đóng góp xây dựng nhà văn hóa...
Nếu như ngày đầu thành lập (năm 1990), số hội viên giàu và khá trong xã rất ít thì đến cuối năm 2020, toàn xã có 168 gia đình hội viên giàu và khá, thu từ 100 đến hơn 400 triệu đồng hộ/năm. Hơn 80% gia đình hội viên làm được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi đắt tiền, đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa, thể thao”, “Người CCB gương mẫu”…
Bài và ảnh: Lê Hoài Thung