Đau xót vì mất đất, mất ruộng - đường làng bị... băm nát
Theo người dân thôn Ninh Tập phản ánh thì vùng đất bãi của thôn có diện tích rộng 60-70ha, được hình thành cách đây hơn 20 năm trước do phù sa sông Hồng bồi lắng. Năm 2013, không hiểu sao UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy phép cho Công ty Sông Hồng khai thác cát trên vùng đất bãi này. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Công ty đã lợi dụng giấy phép để khai thác một cách bừa bãi, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở nghiêm trọng và hiện tại gần như vùng đất bãi… mất trắng.
Theo CCB Phạm Thị Tâm (vợ liệt sĩ Nguyễn Thanh Xuân), trú tại thôn Ninh Tập cho biết: 5 năm qua, bà đã cùng người dân trong thôn có nhiều đơn thư phản ánh tới các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên nhưng không thấy cơ quan nào vào cuộc giải quyết dứt điểm, nên Công ty Sông Hồng ngày đêm “vô tư” khai thác.
CCB Tâm cho hay: những tháng cuối năm 2017, Công ty Sông Hồng huy động hàng chục con tàu vào “ăn cát” mỗi ngày, khiến cho chân bãi bồi người dân đang trồng chuối, ngô bị sụp lở trôi theo dòng sông Hồng. “Bình quân mỗi ngày có đến 20 tàu hút cát, cao điểm có tới 30 tàu vào hút cát đều được người dân ghi lại hình ảnh để phản ánh tới các cấp chính quyền. Nhìn thấy khúc sống vốn dĩ những năm trước đây rất hiền hòa, nay như một đại công trường. Mỗi ngày mở mắt ra lại thấy một mảng bờ sông sụp trôi theo dòng nước, nên chúng tôi xót ruột lắm. Không những thế, Công ty này còn xây dựng 2 nhà máy sản xuất gạch sát khu dân cư, khiến cho người dân trong xã rất khổ sở vì khói bụi và lượng phương tiện chở đất, cát gạch ngày đêm chạy rầm rập băm nát con đường làng…” - bà Tâm thông tin tiếp.

Ra giữ đất, bị hành hung...
Điều đáng nói, theo người dân ở đây phản ánh thì sau khi được cấp phép khai thác cát, Công ty Sông Hồng còn “bán cái” lại cho các công ty khác (cả trong địa phương và tỉnh lân cận) vào khai thác. Bằng chứng là ngày 16-1-2018, do bức xúc có nhiều tàu hút cát hoạt động, chị Lý (con gái liệt sĩ Nguyễn Thanh Xuân) ra ngăn cản việc hút cát thì bị “nhóm người” khai thác cát bắt lên tàu đánh đập, khiến chị phải nhập viện.
Theo người dân cho hay, thời điểm chị Lý bị bắt giữ và bị hành hung có đến 20 tàu đang hút cát và trong số những tàu này, người dân bắt được 2 chiếc “tàu lạ” để làm rõ sự việc. Cũng chính từ đây, người dân phát hiện ra việc “bán cái” lại của Công ty Sông Hồng.
Theo người dân cho biết thì thuyền viên của tàu khai nhận: “Để được khai thác cát ở đây, chủ tàu phải mua tấm biển hiệu của Công ty Sông Hồng với giá 3 triệu đồng. Cát hút lên, chở về điểm tập kết khu Ecopack Bát Tràng. Mỗi khi hút đủ 700 tấn cát, tàu được cấp một tấm giấy thông hành mang tên Công ty Sông Hồng và tiền cát tính theo khối trả riêng”. Các thuyền viên cũng khẳng định không hề biết vị trí được cấp phép khai thác, chỉ thấy các thuyền khác vào hút sát bờ nên cũng vào theo.
Trước đó, sự viêc chị Lý bị hành hung đã có một số cơ quan báo chí phản ánh. Ngày 20-1-2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 765-VPCP/NC gửi Bộ Công an truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an điều tra xác minh làm rõ nội dung trên, đặc biệt là việc chị Nguyễn Thị Lý bị hành hung. Thế nhưng, sự việc cho đến nay vẫn “bóng chim, tăm cá” và chưa thấy có kết luận làm rõ động cơ của việc hút cát cũng như sự việc con liệt sĩ bị hành hung khi ra ngăn cản tàu hút cát của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp ở Hưng Yên.
Được biết, trong giấy phép khai thác khoáng sản mà tỉnh Hưng Yên cấp cho Công ty Sông Hồng có ghi rõ: “Không được khai thác vào diện tích đất nông nghiệp; chỉ được khai thác dưới lòng sông (độ sâu khai thác cos - 5m) và cách bờ tối thiểu 50m; trữ lượng được phép khai thác là 836.000m3; công suất khai thác 100.000m3/năm”. Như vậy, một ngày mấy chục tàu vào khai thác, chúng ta làm phép tính đơn giản nhân với 700 tấn/tàu/ngày thì một năm lượng khai thác cát sẽ là rất khủng khiếp và diện tích đất ven sông bị sạt lở là điều khó tránh khỏi...
(còn nữa)
Bài và ảnh: Chính Nhi và nhóm PV