Xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định: Đất có mồ mả cha ông cũng bị… chia lô bán trái pháp luật
Theo phản ánh của bà Hồ Thị Nhị, trú thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, thì, gia đình bà Nhị, có thửa đất 3.170m2, tọa lạc tại thôn An Thường 1. Nguồn gốc của thửa đất là đất hương hỏa do ông nội Hồ Hiệp để lại cho bà Hồ Thị Nhị. Ông Hồ Hiệp, sinh năm 1907. Ngày 16-6-1953, ông được dòng tộc thống nhất giao quyền sử dụng thửa đất có diện tích 6 sào. Bản thỏa thuận phân đất được chính quyền xác nhận và được đăng ký trước bạ tại huyện Hoài Ân ngày 3-7-1953 theo chính sách đất đai của Nhà nước.
Trên thửa đất này, từ năm 1953 đến nay, đã qua 3 đời gia đình bà Hồ Thị Nhị sinh sống, canh tác ổn định. Trong quá trình canh tác có khai hoang mở rộng từ 6 sào (3.000m2) lên 3.170m2. Hiện tại, trên thửa đất, những dấu tích xa xưa của ông nội bà Hồ Thị Nhị vẫn còn, như hai hàng dừa cổ thụ được trồng trên ranh giới phía Đông và Tây, giếng nước, 2 cây mít và 2 cây bông gòn cổ thụ. Đặc biệt hơn là cũng trên thửa đất này, còn có 3 ngôi mộ, một của cụ cố Tổ dòng tộc họ Hồ, hai ngôi còn lại là của ông Hồ Văn Tiếc (bố đẻ bà Nhị) và mộ bà Hồ Thị Phượng (cô ruột bà Nhị). Sau này, khi ông nội qua đời, bà Hồ Thị Nhị cùng mẹ đẻ là cụ Nguyễn Thị Thưởng kế thừa và sử dụng thửa đất trên ổn định. Những năm gần đây, thửa đất đang được gia đình bà Nhị trồng keo và cây ăn trái.
Thế nhưng, ngày 24-9-2009, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Hoài Ân, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 691/QĐ-UBND “Về việc thu hồi đất và giao cho UBND huyện Hoài Ân để quy hoạch xây dựng khu dân cư tại xã Ân Thạnh” (gọi tắt là quyết định thu hồi đất) với tổng diện tích đất thu hồi là 18.702m2, trong đó có 3.170m2 đất của gia đình bà Hồ Thị Nhị. Vấn đề đặt ra ở đây, là trước khi UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định thu hồi đất, bà Hồ Thị Nhị không hề nhận được thông báo về lý do thu hồi đất, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư theo quy định của pháp luật.
Theo Phương án số 03/PA-UBND, ngày 8-7-2010 của UBND xã Ân Thạnh về việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở năm 2010, thì thửa đất số 238, tờ bản đồ số 8, nằm trong tổng diện tích 3.170m2 của gia đình bà Hồ Thị Nhị được chia thành 6 lô, diện tích mỗi lô 150m2 (rộng 5m, dài 30m), giá khởi điểm 75 triệu đồng/lô. Sau khi tiến hành bán đấu giá, đã có 2 hộ ở xã Ân Thạnh đấu giá thành, với giá 77 triệu đồng/lô.
Tuy nhiên, như phân tích ở trên, do việc thu hồi đất không tuân thủ đúng quy định pháp luật, nên gia đình bà Hồ Thị Nhị có đơn khiếu nại, và các hộ trúng đấu giá đã không được nhận đất trên thực địa. Hiện nay, toàn bộ diện tích thửa đất 3.170 m2 vẫn do gia đình bà Hồ Thị Nhị quản lý, trồng cây keo.
Những ngày trung tuần tháng 8-2014, theo tìm hiểu trên thực tế tại thửa đất, chúng tôi được biết, gia đình bà Hồ Thị Nhị vừa thu hoạch lứa keo trồng từ năm 2008 và đã trồng lại lứa keo mới lên được hơn một tuổi. Ngày 15-8, trao đổi với chúng tôi bà Hồ Thị Nhị bức xúc nói: “Vào ngày 10-8-2014, sau khi gia đình tổ chức rào lại thửa đất để bảo vệ mồ mả ông cha và vườn cây, thì vào 14 giờ ngày13-8-2014, UBND xã Ân Thạnh tổ chức lực lượng hàng chục người, mang theo phương tiện, do các ông Lê Văn Nho - Phó chủ tịch UBND phụ trách kinh tế và Lâm Văn Bá - Phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã trực tiếp chỉ đạo, xuống thửa đất nhằm mục đích phá dỡ hàng rào, chặt bỏ cây trồng của gia đình tôi. Tuy nhiên, gia đình tôi đã kiên quyết phản đối và bà con xung quanh cũng có ý kiến phản ứng, nên UBND xã đã phải rút lực lượng…”.
Cũng theo bà Nhị, thì thửa đất hương hỏa do cha ông để lại, có nguồn gốc hợp pháp. Nhưng khi gia đình đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền cũng như cơ quan chức năng xã Ân Thạnh và huyện Hoài Ân gây khó khăn, không giải quyết. Một mực cho rằng đất hương hỏa của gia đình bà là “đất dự phòng của xã”. Nhưng xã Ân Thạnh, cũng như huyện Hoài Ân không hề có giấy tờ gì chứng minh thửa đất đó do chính quyền quản lý, ngoài Quyết định thu hồi đất của tỉnh đã hết hiệu lực thi hành từ tháng 9-2010.
Điều đáng phê phán nữa là, theo phản ánh của bà Hồ Thị Nhị, khi thấy không thu hồi được đất của gia đình bà, thì ngày 15-5-2014, UBND xã Ân Thạnh còn nghĩ ra chiêu trò: Lập Biên bản với nội dung khẳng định (không chứng cứ) rằng gia đình bà đã ký “hiến tặng mảnh đất này cho HTX Ân Thạnh vào năm 1977”. Trong khi đó thực tế chưa hề có việc hiến tặng này.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Lê Hồng Chiêm - Trưởng phòng TNMT Hoài Ân khẳng định: “Thửa đất của gia đình bà Hồ Thị Nhị đã được quy hoạch và bán đấu giá theo quyết định thu hồi đất của tỉnh. Hiện nay, 2 lô đã được đấu giá xong, 4 lô còn lại UBND huyện Hoài Ân tiếp tục mở các đợt bán đấu giá và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ trúng đấu giá!”.
Tuy nhiên, bản thân ông Trưởng phòng TNMT huyện Hoài Ân cũng không biết rằng, quyết định thu hồi đất đã không còn hiệu lực từ ngày 24-9-2010. Bởi, tại Khoản 2, Điều 2, Quyết định đó nêu rõ: “UBND huyện Hoài Ân có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện việc giao đất ở về UBND tỉnh Bình Định (thông qua Sở TNMT). Quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký Quyết định thu hồi đất, mà UBND huyện Hoài Ân chưa tổ chức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở thì quyết định thu hồi đất không còn hiệu lực”.
Như vậy, tính từ tháng 9-2010 đến tháng 8-2014, quyết thu hồi đất đã hết hiệu lực tới 3 năm 11 tháng. Vì vậy, UBND xã Ân Thạnh cần hủy bỏ phương án số 03/PA-UBND về việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở năm 2010, công nhận quyền sử dụng 3.170m2 đất hợp pháp của gia đình bà Hồ Thị Nhị.
Với những giấy tờ hợp lệ và nguồn gốc đất, hiện trạng sử dụng đất nêu trên, thì thửa đất của gia đình bà Hồ Thị Nhị hoàn toàn đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điểm a, Khoản 1, Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003. Trong trường hợp cần thiết phải thu hồi đất của dân để thành lập khu dân cư mới, thì phải có chủ trương của UBND tỉnh, phải tiến hành lập phương án thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản bản quy phạm pháp luật khác. UBND huyện Hoài Ân và UBND xã Ân Thạnh, không thể tùy tiện thu hồi đất hương hỏa của dân bằng những quyết định trái pháp luật, thậm chí đã hết thời hiệu thi hành.
Bài và ảnh: Bình Định