Vượt qua suy giảm, Việt Nam vững bước đi lên (22/10/2009)
Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trầm trọng nhất, tương tự cuộc đại suy thoái kinh tế của những năm 1930 của thế kỷ XX. Hầu hết các nước, đặc biệt là các nước có nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, các nước Tây Âu đều bị khủng hoảng, hệ luỵ đến rất nhiều lĩnh vực xã hội. Thế nhưng, dường như các chuyên gia kinh tế của Việt Nam và nhiều nước đã không lường hết được quy mô và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Tại Việt Nam, một ngôi sao đang lên của nền kinh tế thị trường, có quan điểm cho rằng Việt Nam không hoặc ít chịu tác động giữa lúc cuộc khủng hoàng đang ở đỉnh điểm. Sau đó ít lâu, người ta cho rằng, Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng nhưng không trầm trọng. Nhưng thực tiễn những tháng cuối năm 2008 và 10 tháng đầu năm 2009, đã có sự đồng nhất trong đánh giá, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu tác động trực tiếp và sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam, thể hiện trên bốn lĩnh vực: xuất khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, thu hút kiều hối và hoạt động du lịch. Đó cũng là lẽ đương nhiên bởi Việt Nam đang hội nhập và hợp tác với quốc tế sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam chịu tác động của những biến động trên thị trường khu vực và quốc tế
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ động đề ra nhiều giải pháp đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế thể hiện trên 3 điểm căn bản: kiểm soát chặt hệ thống kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tài chính – ngân hàng; thực hiện kích cầu, đặt trọng tâm vào kích cầu sản xuất và huy động các nguồn lực, chủ yếu là nội lực; tạm dừng hoặc điều chỉnh các dự án, tiết kiệm chi tiêu. Chính phủ đã nỗ lực tổ chức điều hành, kịp thời đưa ra những giải pháp mạnh, đồng thời hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 từ 6,5% xuống 5%.Trong 3 quí I. II, III của 2009 đã qua, các biện pháp nói trên đã đem lại kết quả khả quan, Việt Nam có thể vượt qua cuộc suy giảm, vững bước tới tương lai. Tạị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII (khai mạc ngày 20-10 ), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bản báo cáo tổng quát về nền kinh tế đất nước, khẳng định Việt Nam đang vững bước vượt qua đà suy giảm đạt được nhiều thành tựu quan trọng.Tiếp theo gói kích cầu thứ nhất đã phát huy tính tích cực, Chính phủ đã quyết định gói kích cầu thứ hai tạo thêm các đòn bẩy hỗ trợ sản xuất , tiêu dùng.
Tương lai của nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao đang là câu hỏi chưa dễ có câu trả lời thoả đáng. Rất nhiều các nhà kinh tế nước ngoài đưa ra những nhận định khác nhau, thậm chí trái ngược. Trong lúc ông Ayumi Kinishi, Giám đốc thị trường của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam thì nhiều chủ doanh nghiệp và chuyên gia khác lại tỏ ra bi quan. Chẳng hạn như ông Charles Goddard, Tổng biên tập một tạp chí kinh tế lớn cho rằng Việt Nam bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nặng hơn các nước trong khu vực vì độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Còn một chuyên gia kinh tế nước Anh thì nhận định kinh tế Việt Nam năm 2009 may lắm chỉ tăng trưởng 0,3%! Thế nhưng thực tế đã bác bỏ dự đoán bi quan này. Năm nay kinh tế Việt nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên dưới 5,5 %
Có cơ sở để lạc quan về nền kinh tế Việt Nam vì Việt Nam có nhiều lợi thế trong làn sóng toàn cầu hoá. Trước hết, Việt Nam có sự ổn định chính trị - xã hội, nhân tố then chốt bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Hai là, sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã có thế và lực lớn, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hết sức quý báu trong việc mở cửa và hội nhập, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba là, hơn bao giờ hết, Việt Nam có môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, các chính sách lớn về phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội.
Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các nguồn lực, quan tâm cả nguồn lực quốc tế và trong nước, tận dụng các cơ hội, hạn chế và đẩy lùi khó khăn thách thức, nhất định sẽ đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trần Nhung