Vướng… tuyến phố đi bộ Hà Nội
Sở GTVT Hà Nội vừa có quyết định mở rộng không gian đi bộ bằng việc tổ chức phân luồng giao thông trên một số tuyến phố thuộc khu bảo tồn cấp I: Cấm phương tiện lưu thông trên các tuyến phố Hàng Buồm - Mã Mây - Đào Duy Từ - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện vào các ngày cuối tuần từ 19 đến 24 giờ (mùa hè) và từ 18 đến 24 giờ (mùa đông) để phục vụ đi bộ mở rộng.
Tuy nhiên, mới thử nghiệm được mấy ngày đã lộ không ít những bất cập.
Theo khảo sát của chúng tôi, bất cập trước hết là nơi gửi xe máy. Gửi xe trong khu phố cổ từ lâu đã là một trở ngại khiến cho nhiều người dân rất “sợ” đến đây; nay để phục vụ “tuyến phố đi bộ” lại càng là áp lực với cả chính quyền và đặc biệt khách tham quan; mặc dù để phục vụ cho 6 tuyến đi bộ mới, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp phép 7 điểm trông giữ xe với diện tích 648m2 và quy hoạch thêm các điểm để ngăn chặn tình trạng trông xe tự phát. Giá trông giữ xe là 5.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, để tiếp cận được với những điểm trông giữ xe này là vô cùng khó khăn, vì vừa khuất nẻo, vừa thiếu biển báo, lại xa… Đã vậy, việc bố trí bãi đỗ xe chưa hợp lý. Đơn cử như điểm bố trí đầu phố Hàng Giầy, đoạn nối với Nguyễn Thiện Thuật, hơn 21 giờ mà chỉ có vài xe gửi. Anh dân phòng vừa uống trà vừa nói với tôi: “Điểm này “kín” lắm chỉ dân trong phố biết thì gửi, chứ du khách thì chịu”.
Ngược lại ở ngã tư Đinh Liệt thì các điểm giữ xe tự phát mọc lên như nấm, thường xuyên chèo kéo, ép khách; mức giá phổ biến từ 20.000 đến 30.000 đồng/lượt. Do khó chỗ gửi xe lại quản lý không chặt, nên tình trạng xe máy, xe đạp điện vẫn phóng vù vù, hòa lẫn dòng người đi bộ nên rất nguy hiểm.
Bất cập nữa là, các tuyến phố đi bộ còn lưu giữ nhiều công trình tiêu biểu về văn hóa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX, như đền Bạch Mã, đền Quan Đế, đền Hương Tượng, đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc… Nhưng các công trình này lại chỉ mở cửa “giờ hành chính” khiến các du khách chỉ còn biết đứng ngoài mà ngắm, nên mục đích “lập tuyến phố đi bộ là tạo điều kiện cho khách tham quan được dịp tìm hiểu, khám phá nét độc đáo của nhiều kiến trúc cổ” đã không đạt được.
Điều đáng nói hơn cả, là sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý của cơ quan chức năng đối với các hộ kinh doanh. Hằng ngày, cứ từ khoảng 20 giờ trở đi, thì tất cả hàng quán tràn xuống lòng đường, chiếm hết không gian đi bộ của du khách. Không những vậy, rác thải vứt xuống lòng đường, lẫn với đồ bày ăn uống rất mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến chân dung phố cổ với những nét tinh tế trong ứng xử, tinh hoa trong ẩm thực.
Để các tuyến phố đi bộ tại phố cổ Hà Nội thực sự phát huy được hiệu quả, cũng như quảng bá vẻ đẹp của Hà Nội với du khách và bạn bè quốc tế, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần tìm ra các giải pháp để giải quyết những hạn chế, bất cập đang có, tránh tình trạng lộn xộn, nhộm nhoạm.
Phạm Lan Anh