Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn Quốc gia là khu vực để xây dựng các công trình làm việc và sinh hoạt của ban quản lý, các cơ sở nghiên cứu - thí nghiệm, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí... Tuy nhiên, tại cos 600-700m của Vườn Quốc gia Ba Vì, trong thời gian qua đã và đang được xây dựng nhiều công trình kiên cố dưới dạng “biệt phủ”...

Ghi nhận của phóng viên, tại khu vực này có hàng chục “biệt phủ” được xây dựng kiên cố bằng bê tông hóa, có nhà được làm bằng gỗ... Đáng nói, khi làm việc với chủ vườn, đại diện lãnh đạo đơn vị này không chứng minh cho phóng viên được những giấy tờ liên quan đến xây dựng “biệt phủ”, nhất là giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền, báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì từ cos 400m trở lên đối với Vườn Quốc gia qui định là thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế mọi tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới rừng.
Còn theo Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ thì “Vườn Quốc gia được quản lý, sử dụng chủ yếu phục vụ cho việc bảo tồn rừng và hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái”. Nhưng thực tế việc xây dựng những « biệt phủ » hoành tráng trong khu vực này cho thấy, hiện trạng rừng bị cày xới và có dấu hiệu bất thường. Bất thường bởi lẽ, theo tài liệu hồ sơ phóng viên có trong tay, năm 2008, ông Đỗ Khắc Thành - nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì trước khi nghỉ hưu đã ký “Hợp đồng liên kết Kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp với Bảo vệ và phát triển rừng” với một công ty tư nhân. Theo hợp đồng này, Vườn Quốc gia Ba Vì bàn giao 53ha diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các công trình hạ tầng tại cos 600 đến 700m và khu vực độ cao cos 800m là 3,05ha cho doanh nghiệp để đầu tư theo qui hoạch... Trong điều khoản hợp đồng cũng yêu cầu bên B (bên doanh nghiệp) phải lập dự án đầu tư và phối hợp với bên A (Vườn Quốc gia Ba Vì) làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Nguyễn Phi Truyền, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì thì ông này không cung cấp được những văn bản liên quan đến cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường của cấp có thẩm quyền mà chỉ cung cấp được cho phóng viên bản “Quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ 1” do Công ty tư vấn thiết kế C.O.R.E lập, có xác nhận của Vườn Quốc gia Ba Vì và đại diện Bộ NNPTNT là Tổng cục Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, ông Truyền cũng không thể trả lời chính xác hiện có bao nhiêu “biệt phủ” đang được doanh nghiệp tư nhân xây dựng trong phạm vi cos 600 -700m và số tiền đầu tư cho dự án này là bao nhiêu.
Trước đó, tháng 6-2014, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn mới ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ 1 - Vườn Quốc gia Ba Vì. Theo đó, diện tích quy hoạch lên tới 120,5ha; được chia ra làm 4 khu, gồm: khu cos 400m diện tích 60ha; khu cos 600, 700, 800m diện tích 58,5ha; khu cos 1000 -1100m diện tích 1ha; khu cos 350m diện tích 1ha. Tuy nhiên, theo qui định thì “Các phân khu chức năng trong vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được điều chỉnh về phạm vi ranh giới của từng phân khu dựa trên đặc điểm, thực trạng diễn biến của rừng và mục đích quản lý, sử dụng rừng. Việc điều chỉnh ranh giới của các phân khu được thực hiện sau mỗi kỳ quy hoạch hoặc sau mỗi lần rà soát diện tích các loại rừng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, nhưng thực tế trong quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ 1 - Vườn Quốc gia Ba Vì chưa thấy có căn cứ văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho việc qui hoạch này, đó còn chưa nói đến “Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19-6-2010 của Quốc hội quy định: “Việc chuyển đổi diện tích vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên là thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Được biết, khu vực cos 600-700m đã diễn ra việc xây dựng các “biệt phủ” từ nhiều năm qua và tới mùa du lịch sang năm (2015) sẽ đưa những “biệt phủ” này vào hoạt động...
Bài và ảnh:
Chính Nhi - Lê Thanh