Vùng tối chống “giặc nội xâm”
Quả là như vậy! Những vụ việc tiêu cực rất lớn, trước đây thường được gắn mác “nhạy cảm” khiến cho công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng hình thành những “vùng cấm” mà người dân, báo chí chỉ biết thở dài mỗi khi nhắc đến. Nay thì chiêu bài dán mác “tài liệu mật” hay “vấn đề nhạy cảm” cũng bị phanh phui, mà điển hình như vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone Công ty Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Nhưng “vùng tối” thì còn rất nhiều. Trước hết là tham nhũng, tiêu cực ở nhiều địa phương vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Kẻ tham nhũng là người có chức, có quyền, nên họ tìm mọi cách bao che. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất sốt ruột, gọi đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên vội vã, dưới thư thả”. Kể cả những người tham gia chống tham nhũng, cơ sở vẫn tìm mọi cách phiền nhiễu. Chuyện “đấu tranh, tránh đâu” vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”, cho nên “vùng tối” trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều.
Đứng ở đằng xa nhìn vào, “vùng tối” trong tiêu cực, tham nhũng rất dễ nhận diện. Chẳng hạn, chuyện “cả họ làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”, nếu cơ quan chức năng quyết tâm sờ đến, thì việc phát hiện, xử lý là không khó. Hay chuyện tài sản, nếu có quy định chặt chẽ về kê khai và công khai tài sản của cán bộ, công chức thì sẽ lộ diện hàng loạt cán bộ không chứng minh được nguồn gốc tài sản. Rồi chuyện biệt phủ của người giàu đang lấn chiếm những vùng “bờ xôi, ruộng mật” ở nông thôn, vi phạm rất rõ ràng và rất phổ biến, có khó gì trong phát hiện?
Thẳng thắn mà nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng lời nói và hành động gương mẫu của mình, đã từng bước khôi phục niềm tin trong nhân dân vào Đảng nói chung, vào công cuộc phòng, chống tham nhũng nói riêng. Nhưng tham nhũng, tiêu cực, như nhận xét của Đảng ta, hiện còn rất nghiêm trọng, phức tạp và muốn đẩy lùi được nó, không phải là công việc có thể xử lý trong một vài nhiệm kỳ. Chúng ta chắc chắn phải tiến hành công việc khó khăn này một cách thường xuyên, liên tục, kiên trì và kiên quyết.
Nhưng để công cuộc phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu, điều cần thiết nhất là phải hoàn thiện thể chế chống tham nhũng. Đặc biệt là phải xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng thật sát thực tế; xây dựng cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu lực và hiệu quả. Làm được như vậy, thì người dân không còn phải lo lắng quá nhiều về quyết tâm chống tham nhũng của người đứng đầu.
Riêng về các “vùng tối”, nhiều cử tri hiện nay bày tỏ sự lo lắng, sợ Trung ương không nắm được tình trạng tham nhũng ở cơ sở, địa phương. Trung ương chắc chắn nắm được tình hình cơ sở, nhưng để xử lý được một cách bài bản, có tình có lý, nhằm “đánh chuột không làm vỡ bình” thì phải cẩn trọng, có cách thức, bước đi phù hợp. Điều đó, cũng sẽ ít nhiều khiến người dân một số nơi sốt ruột. Vì vậy, chỉ khi nào chúng ta có một thể chế phòng, chống tham nhũng tương đối hoàn thiện, một cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách có hiệu quả thì những nỗi lo “trên nóng, dưới lạnh”, “trên vội vã, dưới thư thả” mới hi vọng tệ nạn tham nhũng được giải quyết thấu đáo.
Hồng Nguyễn