Vững bước vào thập kỷ thứ hai trong thế kỷ XXI (06/09/2011)
Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng, Việt Nam đã là thành viên của Liên hợp quốc và ASEAN. Việt Nam có quan hệ ngoại giao với trên 170 nước, có quan hệ buôn bán với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia hầu hết các tổ chức và định chế quốc tế, là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về kinh tế, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam năm 1988 chỉ đạt 86 USD, khi đó nước ta là một trong số ít nước thu nhập thấp nhất thế giới, nhưng sau đó đã tăng gần như liên tục qua các năm và đến năm 2010 đã đạt 1.169 USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước thu thập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình. GDP của Việt Nam tính đến năm 2010 đã đạt 30 năm liên tục tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế đó có sự chuyển dịch quan trọng: tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp - thuỷ sản đã giảm từ 40,2% (1985) xuống còn khoảng 20% (2010), của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 27,4% lên gần 41%, của nhóm ngành dịch vụ tăng từ 32,4% lên trên 39,1% trong thời gian tương ứng.
Nông nghiệp của nước ta với sự biến đổi thần kỳ đã chuyển từ độc canh lúa, năng suất thấp và thiếu hụt lớn, sang không những đủ dùng trong nước còn xuất khẩu với khối lượng lớn, đứng thứ hai thế giới. Tính từ năm 1989 đến tháng 7-2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt trên 81,6 triệu tấn, với kim ngạch gần 24,6 tỷ USD. Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong nước mà gần đây quốc tế đánh giá Việt Nam còn góp phần đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực toàn cầu. Xuất khẩu cà - phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, thuỷ sản với khối lượng lớn đứng thứ hạng cao trên thế giới.
Sản xuất công nghiệp trước Cách mạng Tháng Tám còn rất sơ khai. Cả nước chỉ có 200 xí nghiệp, với 90.000 công nhân; số sản phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay với sản lượng còn rất thấp. Đến nay cả nước có khoảng nửa triệu doanh nghiệp, trên 1 triệu cơ sở cá thể, với khoảng 5 triệu lao động… Sản phẩm công nghiệp vừa nhiều gấp bội về số loại, vừa gấp nhiều lần về số lượng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 so với năm 1939, năm phát triển cao nhất trước Cách mạng Tháng Tám cao gấp 282 lần. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 1 năm tăng xấp xỉ 12,5% - một tốc độ tăng thuộc loại khá cao gần như liên tục. Tốc độ tăng hai chữ số liên tục từ năm 1991, chỉ bị ngắt quãng bởi năm 2009 (chỉ tăng 7,6%) chủ yếu do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.
Thương mại trước cách mạng còn rất nhỏ bé phân tán. Ngày nay, việc mua bán ở trong nước đã được tự do hoá, hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại được hình thành. Số nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ buôn bán nếu năm 1986 mới có 43 thì đến nay đã lên đến trên 210. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 này có thể đạt trên 86 tỷ USD. Tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP đã vượt qua mốc 150%, đứng thứ 5 thế giới.
Về mặt xã hội, tổng quát nhất là chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã đạt được 3 sự vượt trội: đã liên tục tăng lên qua các năm; thứ bậc về HDI tăng lên qua các năm; chỉ số và thứ bậc về tuổi thọ và học vấn cao hơn chỉ số về kinh tế. Nhiều chỉ tiêu về xã hội đến nay cũng gấp nhiều lần trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Dân số thành thị tăng 126 lần, số trường THPT tăng 763 lần, số sinh viên tăng 1.671 lần, số bác sĩ/vạn dân tăng 76,5 lần…
Với những thành tựu to lớn đã đạt được, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng bắt tay thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2011- 2015 và chiến lược 10 năm 2011- 2020. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Lâm Dương (TH)