Vui ngày gặp mặt (02/12/2010)

Một tiểu đoàn “lính cậu” đang học năm thứ tư cũng vội xếp bút nghiên ra trận “Đánh cho Mỹ cút - 1973, ắt “ngụy nhào” -1975. Gần nửa thế kỷ trôi nhanh, thầy trò gặp lại mừng vui khôn tả!

**Có ôn chuyện cũ mới biết quý cái mới **

Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bắt đầu bước vào thời kỳ cam go ác liệt nhất, lại là thời điểm Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra đời, thành lập thêm 9 trường, phân hiệu đại học, cả trăm trường chuyên nghiệp, dạy nghề. Đại học Cơ điện là tiền thân của Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên ngày nay.

Tháng 7-1968, đoàn văn hóa giáo dục Hungari do Thứ trưởng GS. TS. Imrenage Bernas dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Trong đoàn còn có lãnh đạo Đại học Kỹ thuật Điện Budapest, trường kết nghĩa với Đại học Cơ điện Bắc Thái. Giữa một vùng đồi núi trùng điệp hoang sơ, tưởng như không người khi nhìn từ xa thì đây đó dưới chân núi, ẩn hiện những nhà tre lá do thầy trò vào rừng lấy về tự làm bên cạnh các cửa hầm địa đạo đào sâu trong núi, làm phòng thí nghiệm, hội trường, phân xưởng thực tập; có cả đàn gà, chuồng lợn, ao cá bên sườn đồi sắn của các khoa, bộ môn, lớp học. Còn có các sân bóng chuyền, bóng đá, xà đơn, xà kép. Phong trào thể dục thể thao, văn nghệ từng giành nhiều giải nhất nhì trong tỉnh và của ngành.

Đồng chí Trưởng đoàn nước bạn phát biểu sau lần tìm hiểu về trường, về thầy trò, mới thấy đáng tự hào, rằng: Tôi đã thăm nhiều nước. Trên thế giới ở nơi nào có chiến tranh đều đóng cửa trường học. Chỉ riêng duy nhất độc đáo tại Việt Nam, bom đạn ác liệt là thế, mạng lưới các cơ sở đào tạo còn được mở rộng, chất lượng sản phẩm ra trường càng cao, được xã hội hoan nghênh. Mức độ ác liệt của bom đạn, sự khó khăn thiếu thốn có thể còn gấp bội. Nhưng chúng tôi nhận rõ và tin chắc, từ trong nguyên nhân tất thắng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, là nhờ ở sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

** **Mừng vui ngày gặp mặt **

Dân tộc ta đậm đà truyền thống đoàn kết đùm bọc trong từng cộng đồng. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Người kế thừa, nâng tầm lên Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thầy trò theo thời gian, mỗi người đi một nơi theo “số phận”. Nhưng rồi dù ở đâu đều tìm đến nhau, quy tụ lại chia sẻ buồn vui khi “tắt lửa tối đèn”. Ở Hà Nội, có Hội Đại học cơ điện Thái Nguyên, gồm hàng nghìn hội viên sinh hoạt trong các hội thành viên tập thể: Hội nhà giáo, Hội sinh viên; có hai hội đặc thù là Hội Doanh nhân và Hội CCB. Thầy đề xuất khai sinh hội là cố KS Phan Đức Thinh, hiện nay là TS. Nguyễn Văn Thái.

Gần 200 thầy cô, phần đông nghỉ hưu, gặp mặt hàng năm vào ngày 20-11. Cựu sinh viên các khóa tới chúc mừng. Nhiều trò tóc đã bạc, có số đã là thầy cô, là tiến sĩ, giáo sư, một số mang hàm tướn, tá. Khá đông là tổng giám đốc, trưởng, phó giám đốc các sở, ban ngành, công ty… Các thầy nghỉ hưu chúng tôi nói vui: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, như Phó thủ tướng đương nhiệm, thầy Bộ môn Luyện Kim ngày trước - TS. Phạm Gia Khiêm; Nhà giáo Nhân dân vừa được phong GS. TS Nguyễn Ngọc Long, Phó hiệu trưởng Trường đại học KH Tự nhiên quốc gia, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình trong Hội CCB...

Chúng tôi “được thơm lây”, thật tự hào trường mình có gần một ngàn thầy trò xếp bút nghiên ra trận, góp công sức, xương máu vào công cuộc vĩ đại có một không hai của lịch sử dân tộc: giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Đặc biệt là “Tiểu đoàn Cơ điện”, “đợt vét” tuyển quân có mặt tại các mặt trận cho “trận đánh cuối cùng”: Thành cổ Quảng Trị năm 1972, chiến dịch mở màn ở Tây Nguyên tháng 3-1973, giải phóng Sài Gòn tháng 4-1975.

Người viết bài này tới thăm nhà Hội trưởng CCB Cơ điện ở bãi Phúc Xá xơ xác ngày nào - sinh viên khóa 4, hai bằng kỹ sư cơ khí và kinh tế Lại Duy Quỳ. Ông bảo: - Báo cáo thầy, lính chúng em phải nói có sách mách có chứng, người thật việc thật. Ông lấy ra mấy bộ ảnh giới thiệu những công việc ngày nay, đồng đội còn phải sống gương mẫu, phải làm để phát huy vai trò “anh lính Cụ Hồ”, để tưởng nhớ, ghi ơn đồng đội đã ngã xuống và cả những anh em còn sống đây nhưng mang thương tật chiến tranh ốm đau luôn.

  • Thầy còn nhớ không, đây là Thân Như Ngôn, Đại tá, lên hai bậc hưởng lương tướng; từ trận Chư Nghé bị thương “mà lên”? Sau sang Liên Xô học trường quân sự Phrunde nổi tiếng, về nước kịp phục vụ các tư lệnh, chỉ huy đánh Pôn-pốt, giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng; có thời gian làm thư ký bộ trưởng… Đây là ảnh tìm mộ liệt sĩ Lương Công Thu, K6MA, từ Trà My, Quảng Nam, đưa hài cốt về quê Duy Tiên, Hà Nam…

Tôi nhận ra ảnh Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Ông Quỳ gãi đầu: - Chả là tổ 28, em làm tổ trưởng nhiều năm liên tục đạt tiên tiến xuất sắc, tết Đinh Hợi 2007 Tổng bí thư đến thăm động viên….

Thật đáng quý bản chất vì dân phục vụ vẫn tỏa sáng trong “Anh lính Cụ Hồ”.

Trịnh Tố Long

**