Vui buồn lễ hội đầu năm Đinh Dậu

Tại Lễ Hội chùa Hương (khai hội ngày mồng 6 Tết âm lịch), sư thày Thích Đạo Trụ đã ném lộc cho du khách tranh cướp nhau, giá vé trông xe tăng gấp 5-6 lần so với quy định; có cụ bà vô tình dẫm vào chân một du khách trẻ liền bị cả nhóm xông vào đánh... Không chỉ người trong nước mà ngay cả với du khách nước ngoài về trảy hội Chùa Hương cũng bị “chặt chém” thê thảm. Một du khách từ Philipines đến Việt Nam để tận hưởng không khí tết của người Việt và gia đình, vị khách này sau khi nghỉ ở Hà Nội theo tour du lịch đi chùa Hương nhưng bị “chặt chém” với giá khá cao. Ban đầu có người dân bản địa đã ngỏ ý đi thăm chùa với giá 4 triệu đồng, gồm phí đi cáp treo và thuyền máy. Thế nhưng sau khi ngã giá, lúc dẫn khách, nhiều khoản phí phụ gia đình vị khách nước ngoài này bị thu thêm (tiền lễ vật dâng lên Đức Phật, tiền tip…). Tất cả chi phí tiền của gia đình vị khách Philipines bị đẩy lên 8 triệu đồng… Hà Nội là trái tim của cả nước, nơi cũng có nhiều lễ hội vào bậc nhất nhì, nhưng tại một số lễ hội, chỉ vì ý thức của vài cá nhân lợi dụng đức tin, lễ hội để kiếm lời, làm mất đi hình ảnh đẹp của lễ hội, mất đi hình ảnh về du lịch Việt Nam. Ví như, tại Hồ Gươm, mấy ngày qua, những vườn hoa đỏ thắm, vàng rực cũng bị một số nam thanh nữ tú giẫm đạp khi chụp ảnh… “tự sướng”. Dường như trong họ, ý thức về tính công cộng chưa cao khiến cho những cây hoa khoe sắc thắm ngày xuân làm đẹp cho Hồ Gươm, cho Hà Nội cũng bị gục ngã trước những thú vui của cá nhân.
Tại Nam Định, chợ Viềng diễn ra từ đêm mồng 7 đến hết ngày mồng 8 tết, cũng có cái chưa đẹp. Bạn Nguyễn Hoan (Hưng Yên) chia sẻ: Tôi đi chợ Viềng từ tối mồng 7 tết, tới nơi, đầu tiên cảm nhận là bãi trông giữ xe tự phát mọc lên quá nhiều, giá trông xe không điểm nào giống điểm nào. “Có bãi thì thu 100.000 đồng/ô tô. Có điểm thu 150.000 đồng. Đầu năm ai cũng mong muốn về chợ Viềng mua được vật dụng cầu may. Thế nhưng giá cả ở đây cũng bị… hét như cắt cổ” - Bạn Nguyễn Hoan cho hay.
Ở Côn Sơn-Kiếp Bạc, chùa Cao (Hải Dương) dù mới mồng 5 tết, chưa vào hội chính nhưng du khách đến vãn cảnh, dâng hương khá nhiều. Đặc biệt, Côn Sơn-Kiếp Bạc là lễ hội có quy mô lớn nhất ở khu vực châu thổ sông Hồng. Du khách đến chùa Côn Sơn không chỉ lễ Phật, mà còn là dịp du ngoạn, thăm danh thắng nơi có những di tích gắn liền với nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của đất nước và thế giới như: Đức Thánh Trần, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão... Bởi thế, trong số các di tích xếp hạng quốc gia thì khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc được coi là trung tâm văn hóa lớn, hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử nhất. Tuy nhiên, nơi đẫy vẫn còn một số hiện tượng mất mỹ quan như: Đổi tiền lẻ ăn giá chênh lệch, ném tiền xuống giếng…

Giữ được nét đẹp!
Trái ngược với một số lễ hội lớn, tại làng Tây Mỗ (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), mồng 7 tết, dân làng tổ chức Lễ hội để dâng lên Thành Hoàng làng những vật phẩm xôi, lợn quay…
Năm nay, khác so với mọi năm, Lễ rước được người dân tổ chức long trọng. Nhiều du khách thập phương cũng về dự nhưng chủ yếu vẫn là con cháu, người địa phương đi làm ăn xa trở về.
Nét đẹp ở đây được lưu giữ nhiều năm nay. Ngoài những màn rước xôi do Tổ dân phố đăng cai tổ chức (luân phiên mỗi năm một Tổ dân phố), các cụ cao niên trong làng tổ chức tế lễ cầu cho dân làng bình an, một năm tràn đầy sức khỏe, may mắn… Đáng chú ý, Lễ hội không có tình trạng cờ bạc, đá gà, trò chơi ăn tiền cua cá như nhiều năm về trước, thay vào đó là những trò chơi dân gian được tổ chức khá nhiều, giúp cho mỗi du khách từ già trẻ, gái trai, nam thanh nữ tú vui vẻ trong ngày Hội.
Một thành viên trong Ban tổ chức Lễ hội làng chia sẻ: Giữ được nếp truyền thống và không có những hình ảnh xấu là được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền phường Tây Mỗ cũng như BTC quyết liệt không để xảy ra “tự diễn biến - tự chuyển hóa” trong lễ hội, kiên quyết làm giảm đi những hình ảnh không đẹp của lễ hội trong mắt người dân dân và du khách…
Doanh Chính
(lược ghi)