“Vua mía” chuyển đổi cây trồng
CCB Huỳnh Thân bên vườn mít sắp cho thu hoạch.
Là thương binh, CCB Huỳnh Thân, ở thôn Khánh Giang (Hành Tín Đông, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) luôn cần cù, chịu khó phát triển kinh tế từ mía và thành công với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi.
Sau xuất ngũ, ông Thân đã mạnh dạn khai hoang vùng đất cằn cỗi để trồng mía và trở thành “vua mía” nổi tiếng một thời. Về sau, thị trường mía bấp bênh, giá mía nguyên liệu xuống thấp, ông chuyển sang trồng keo. Khi huyện Nghĩa Hành thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn quả, ông Thân quyết tâm đi đầu tham gia cùng địa phương, thay đổi “con đường” làm nông nghiệp. Ông Thân tiếp tục cải tạo 5ha đất trồng keo thành vườn cây ăn quả với chừng 400 cây bưởi da xanh, 300 cây sầu riêng, 600 cây mít Thái, hơn 1.000 cây cau và cam, quýt các loại...
Ông Thân bộc bạch: “Trồng cây ăn quả khó hơn trồng keo, mía, sắn. Để trồng thành công bưởi da xanh ở đất Nghĩa Hành, tôi mày mò khắp nơi từ sách, báo, internet học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật. Đặc biệt, mấy năm đầu, cứ vào mùa bưởi đậu quả thì ong trên rừng lại kéo đến chích, khiến vườn bưởi trở nên xơ xác, lác đác còn lại một vài quả còn trên cây. Vì thế, tôi phải bao bọc quả bưởi để hạn chế ong chích, quả không rám nắng, phân nước đầy đủ. Giờ đây, bình quân mỗi cây bưởi có thể cho 300-400 quả/năm”.
Chỉ tay vào những hàng bưởi trải dài, đang cho quả xanh tốt, ông Thân phấn khởi bày tỏ: “Tôi vừa bán gần 1 tấn bưởi với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Hiện còn gần nửa vườn bưởi đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Sau đó, tôi lại tiếp tục chăm sóc cây để có quả bán trong vụ Tết”.
Riêng cây sầu riêng, sau khi trồng hơn 5 năm, vườn của ông Thân đã bắt đầu ra hoa, đây là tín hiệu tốt khi cây sầu riêng phát triển tốt ở vùng đất đồi. Dự kiến, năm nay ông sẽ được thu hoạch những quả đầu tiên. Hy vọng từ năm sau, vườn sầu riêng sẽ được mùa.
Ngoài trồng trọt, ông Thân còn nuôi thêm lợn rừng lai. Từ các nguồn nguyên liệu sẵn có như mít, thân cây chuối, lá cây… ông nuôi theo hình thức bán thả rông để lợn tự kiếm thức ăn ngoài vườn thì thịt mới đạt chất lượng. Đặc biệt, ông không nhập giống lợn từ các nơi khác mà lấy giống lợn con từ lợn mẹ sinh sản tự nhiên trong trại. Lợn nuôi từ 5-10 tháng để xuất chuồng. Bình quân mỗi năm ông xuất bán 2-3 tấn thịt lợn, trừ các chi phí thu về khoảng 40 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trịnh Bê - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết: “CCB Huỳnh Thân là điển hình của địa phương trong phát triển kinh tế. Ông không chỉ nỗ lực sản xuất làm giàu cho gia đình mà còn hết lòng giúp đỡ những hộ khó khăn tại địa phương vươn lên trong cuộc sống. Ông là tấm gương để mọi người học tập và noi theo”.
Minh Anh