Vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh); Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) và Lê Nam (Thanh Hóa) về việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, tại phiên họp Quốc hội chiều 19-11,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đã được quy định trong Hiến pháp. Đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới." Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn xây dựng quan hệ chân thành hợp tác với Trung Quốc vì hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, cùng thịnh vượng; thực hiện hiệu quả, thực chất phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt nhằm đem lại lợi ích cho cả hai nước. Việt Nam cũng luôn mong muốn hai nước chân thành hợp tác giải quyết những bất đồng giữa hai bên về những vấn đề còn có quan điểm khác nhau về chủ quyền trên biển trên tinh thần tôn trọng Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 và Thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong quan hệ với Trung Quốc cũng như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam thực hiện phương châm 6 chữ: "Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” vì hòa bình, ổn định, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng phát triển; đồng thời hợp tác, đấu tranh để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Đảo Gạc Ma và một số đảo tại Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó, Việt Nam và các quốc gia ASEAN đã ký với Trung Quốc Tuyên bố về Thái độ ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Theo đó, các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình; không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Việc Trung Quốc bồi lấp biển ở đảo Chữ Thập ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam; lập trường của Việt Nam là kiên quyết phản đối vì hành động này đã vi phạm Điều 5 của Tuyên bố DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết. Tại các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều phát biểu, nêu rõ lập trường này của Việt Nam.
Hoàng Linh