VỤ VIỆC PHỨC TẠP Ở XÃ KIM LƯƠNG (KIM THÀNH, HẢI DƯƠNG): Người dân và doanh nghiệp cần hợp tác công tâm (17/12/2009)
Số là từ cuối năm 2007, Công ty TNHH Thái Hưng xây dựng Nhà máy sản xuất phôi thép BCH trên diện tích 7,9ha với số vốn lên đến gần 750 tỷ đồng với máy móc, công nghệ của nước ngoài. Ngày 14-4-2009, lễ khánh thành nhà máy được tiến hành trong niềm vui, tự hào của Công ty Thái Hưng và khách mời là đại diện chính quyền, các cơ quan và người dân xã Kim Lương. Nhưng chỉ sau khi chính thức đi vào hoạt động chưa đầy 24 giờ (tức ngày 15-4-2009), nhiều người dân thôn Cổ Phục và sau đó là xã Kim Lương đã tập trung kiến nghị tại cổng nhà máy, cao điểm vào các ngày 27 và 28-4-2009 tập trung đến 300 người đánh trống, ném phân, trứng thối, đặt vòng hoa, đẩy hỏng cổng nhà máy, đòi nhà máy chấm dứt hoạt động… với các lý do là vị trí nhà máy gần dân (chưa đầy 100m), khói bụi, tiếng ồn, nước thải, mùi hôi và khét gây ô nhiễm môi trường, điện thắp sáng của dân bị ảnh hưởng… đồng thời một số người quyên góp tiền để đi khiếu kiện.
Ngày 29-4-2009, Nhà máy phôi thép BCH buộc phải ngừng hoạt động. Theo kiến nghị của dân, nhà máy mời Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương tiến hành quan trắc, kiểm tra thực tế môi trường trong khu vực. Kết quả, các chỉ số về ô nhiễm môi trường đều dưới hạn, chỉ có khí SO2 và tiếng ồn vượt chút ít so với tiêu chuẩn. Ngày 31-5-2009, Nhà máy BCH hoạt động trở lại để tiếp tục quan trắc môi trường thì đến khoảng 8 giờ ngày 5-6-2009 người dân thôn Cổ Phục (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em) lại tập trung đánh trống, đến 9 giờ dựng một lều và đến 22 giờ 30 phút cùng ngày dựng lều thứ hai trước cổng nhà máy (cổng chính 1 và cổng phụ 1) trưng các biểu ngữ: Vì sức khoẻ nhân dân, vì trẻ em; Nhà máy phôi thép cút khỏi xã Kim Lương… Họ ăn ngủ ngay tại cổng nhà máy. Tình hình ngày càng căng thẳng. Đến sáng ngày 6-6-2009, họ khống chế không cho ai vào nhà máy cũng như không cho ai từ trong nhà máy ra ngoài, cắt ống nước của nhà máy, đánh đe doạ hai nữ công nhân… Đến hơn 8 giờ ngày 9-6-2009, khi có lực lượng công an về tuyên truyền giải quyết sự việc thì họ dỡ lều. Khoảng 17 giờ ngày 12-6-2009, tại nhà máy xảy ra sự cố có khói bay lên ống khói, thì lập tức có hơn 400 người đến trước cổng nhà máy để phản đối… Mãi sau 5 tháng, đến ngày 12-11-2009 vừa qua, khi chính quyền, các đoàn thể và ngành chức năng vào cuộc thì nhà máy mới có điều kiện sản xuất bình thường… Tình hình ở Kim Lương đã lắng dịu nhưng xem ra mối “bất hòa” vẫn còn âm ỉ.
**Đâu là nguyên nhân **
Nhóm phóng viên Báo CCB Việt Nam đã có mặt tại xã Kim Lương trong những ngày này, tiếp xúc với nhiều người dân, cán bộ chính quyền xã Kim Lương và vào thăm Nhà máy phôi thép BCH để tìm hiểu tình hình. Đến thăm khi không hề báo trước, chúng tôi được tận mắt chứng kiến quang cảnh của nhà máy đang trong quá trình sản xuất. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn đi vắng, tiếp chúng tôi là Giám đốc sản xuất Đoàn Dương Tây - một “ông Tây” nhưng lại là người Việt 100%, con người đã lăn lộn với ngành sản xuất thép 32 năm tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Giới thiệu về nhà máy tại văn phòng, anh trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm toàn bộ khuôn viên nhà máy. Trước hết, phải nói rằng Công ty Thái Hưng mà biểu hiện cụ thể tại xã Kim Lương là Nhà máy phôi thép BCH đã được đầu tư xây dựng theo đúng các quy định, quy trình của pháp luật. Công ty Thái Hưng đã được các cấp chính quyền từ cơ sở đến Trung ương, các cơ quan chức năng cho phép xây dựng nhà máy tại xã Kim Lương. Có rất nhiều địa điểm thuận lợi để Công ty Thái Hưng xây dựng nhà máy nhưng vì Giám đốc CCB Nguyễn Thị Cải vốn quê ở xã Kim Lương, sau bao năm lăn lộn ở chiến trường, rồi lập nghiệp ở Thái Nguyên, xây dựng nên Công ty Thái Hưng nổi tiếng cả nước, đóng góp rất lớn cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên và hoạt động tình nghĩa từ thiện. Bà muốn đầu tư góp phần xây dựng quê hương mà bà luôn mang ơn sâu nặng. Vậy nên bà muốn có một nhà máy thép ở quê để thu hút lao động nông nghiệp dôi dư, tạo vốn góp phần xây dựng quê hương. Quy mô hoạt động của nhà máy khá lớn, công suất 29 vạn tấn/năm với hơn 400 công nhân lành nghề và chưa lành nghề, trong đó có 150 lao động phổ thông là con em của người dân thôn Cổ Phục và nhân dân xã Kim Lương. Thiết bị máy móc hầu như còn mới nguyên với màu sơn sáng sủa, bãi nguyên liệu là thép phế nằm gọn gàng tại một khu vực riêng. Chúng tôi đi qua dù có để ý vẫn không cảm nhận được mùi vị khác thường… Đến khu vực lò nấu, chúng tôi gặp khoảng hai, ba chục công nhân khoẻ khoắn trong bộ trang phục bảo hộ lao động đang tích cực làm việc. Trước đây, có lần chúng tôi đã được đến thăm Công ty gang thép Thái Nguyên. Quy mô Nhà máy phôi thép ở Kim Lương nhỏ hơn nhiều, nhưng điều kiện vệ sinh môi trường thì hơn hẳn. Anh Dương Tây cho biết, máy móc của nhà máy được nhập đồng bộ từ nước ngoài, thuộc công nghệ khá hiện đại, vả lại chưa sản xuất bao lâu nên được coi là khá mới; rất nhiều công nhân, cán bộ làm việc ở đây đã từøng công tác trong ngành luyện kim, chủ yếu ở Công ty gang thép Thái Nguyên nên đã có ít nhiều kinh nghiệm sản xuất. Rời khu vực lò luyện hồ quang, chúng tôi ra khu thành phẩm. Từ những loại thép phế phẩm qua lò luyện hồ quang nấu chảy, nước thép được đúc thành những khối vuông như những cột nhà, có chiều dài khoảng mười mét đỏ rực thi nhau lao ra máng… sau đó được nguồn nước tự nhiên làm nguội để đưa ra bãi chứa. Anh Tây chỉ cho chúng tôi biết hệ thống nước làm nguội tuần hoàn trong nhà máy. Vì là nước để làm nguội nên đầu tiên nước được bơm từ sông vào, sau khi làm nguội cho khối thép lần thứ nhất, nước nóng lên thì được đưa qua hầm làm lạnh tự nhiên và làm sạch theo kiểu tuần hoàn để đỡ chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vẫn lượng nước ấy được bơm trở lại để làm nguội thép ra lò lần hai, lần ba… Trong khuôn viên nhà máy, hàng ngàn cây xanh các loại đã và đang được trồng khắp nơi để lấy bóng mát và làm sạch không khí một cách tự nhiên, những tấm pa nô, áp phích nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường được dán khắp nơi. Anh Tây tâm sự, hệ thống tường rào xung quanh nhà máy vốn được xây khá cao, nay lại được nhà máy cho tôn cao lên khoảng 2m nữa để giảm tiếng ồn, chặn bớt mùi, khí thải ra ngoài… Qua những gì được chứng kiến tại Nhà máy BCH, chúng tôi cảm nhận được lãnh đạo nơi đây đã tiếp thu cao độ ý kiến của người dân cũng như từ các cơ quan chuyên ngành trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Thêm nữa, cũng chính tại khuôn viên nhà máy, có hẳn một dãy nhà khang trang và đủ tiện nghi dành cho những công nhân ăn nghỉ… Được biết, Nhà máy phôi thép BCH rất quan tâm đến đời sống công nhân, tuy chưa sản xuất được là bao nhưng những công nhân ở đây có mức thu nhập bình quân là 3,5 triệu đồng/tháng, được nhà máy nuôi bữa trưa, có nhà ở tập thể… 150 công nhân là con em thôn Cổ Phục và xã Kim Lương được nhà máy nhận vào làm việc, được đào tạo nghề miễn phí đang tích cực lao động cùng nhà máy khắc phục mọi khó khăn để phát triển sản xuất trong dịp này. Đa phần người dân Kim Lương hiểu và thông cảm với doanh nghiệp nhưng còn băn khoăn về vấn đề ô nhiễm môi trường. Cũng nói thêm, ở Kim Lương còn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên có ảnh hưởng đến cuộc sống vốn bình lặng ở thôn quê. Qua tiếp xúc với một số người dân xóm 3 thôn Cổ Phục, chúng tôi phần nào hiểu được và thông cảm với những bức xúc của người dân nơi đây vì ai cũng hiểu khói bụi, mùi hôi khét, tiếng ồn, nước thải, sụt điện sinh hoạt tác động xấu đến sức khoẻ và cuộc sống người dân. Chúng tôi có gặp trò chuyện với một số người dân thôn Cổ Phục như anh X, chị Y, cụ N… được biết sự việc vừa qua gây bức xúc và xáo trộn lớn ở địa phương.
**Người dân và doanh nghiệp cần sự hợp tác công tâm **
Việc người dân rào cổng khiến nhà máy phải ngừng sản xuất trong thời gian dài, gây ra những thiệt hại rất lớn: Vốn bị ứ động, trả lãi ngân hàng nhiều tỷ đồng mỗi tháng, nuôi hàng trăm con người buộc phải nghỉ việc. Nếu nhà máy gây ô nhiễm rất nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân Cổ Phục thì ngừng sản xuất, thậm chí phải dỡ bỏ cũng phải làm. Nhưng công tâm mà xét, hoàn toàn không phải như vậy. Cho nên, ổn định tình hình, thông hiểu và giúp đỡ nhau cùng phát triển là điều mong mỏi của tất cả mọi người. Vấn đề Nhà máy phôi thép BCH có gây ô nhiễm về tiếng ồn, nguồn nước, mùi khét và làm sụt điện sinh hoạt của nhân dân xóm 3 thôn Cổ Phục và xã Kim Lương hay không đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương là Sở Khoa học và Công nghệ xác định và hiện nay do Tổng cục môi trường - Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục theo dõi, tổ chức quan trắc. Theo thông tin từ lãnh đạo Nhà máy phôi thép BCH, hiện nay nhà máy chỉ hoạt động ban ngày, đến 5 giờ chiều là kết thúc làm việc của ngày nên dư luận cho là có mùi về đêm là chưa chuẩn xác; thứ hai là sản xuất công nghiệp phải dùng nguồn điện ba pha không chung với nguồn điện sinh hoạt nên khó có thể gây sụt điện sinh hoạt cho nhân dân trong vùng; thứ ba là nguồn nước làm nguội là lượng nhất định được chu chuyển tuần hoàn không thải ra môi trường theo hệ thống riêng của nhà máy nên không thể cho rằng nước thải ra môi trường gây ô nhiễm; hệ thống lọc bụi của ống khói nhà máy có 6.000 lớp lọc và còn rất mới do mới đi vào hoạt động… Nhiều người dân ở thôn Cổ Phục và xã Kim Lương khi gặp chúng tôi cho rằng, 150 thân nhân của họ đang làm việc tại nhà máy là điều rất quý và chính họ là những người biết rõ nhất. Cũng có người dân bộc bạch là, trong số những người phản đối nhà máy, có người còn suy nghĩ hẹp hòi, có phần ghen ghét doanh nhân vì dường như họ rất giàu (!) mà không hiểu doanh nhân dù là người tài cũng gặp muôn vàn khó khăn, làm được đồng tiền đâu có dễ. Điều rất cần lúc này là người dân Kim Lương và doanh nghiệp nên có sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác công tâm, bảo đảm quyền lợi của cả đôi bên. Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục thì cũng cần nghiêm trị những ai quá khích có hành động ngăn cản, phá hoại sản xuất. Được biết trước một số yêu cầu của người dân, Nhà máy BCH đã rất nỗ lực khắc phục như việc xây tường cao để giảm tiếng ồn, làm đường dân sinh và tìm các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu khói bụi. Nên chăng, Nhà máy có thể tổ chức cho nhân dân địa phương tham quan nhà máy để họ tận mắt chứng kiến quang cảnh sản xuất. Nếu người dân Kim Lương hiểu, hợp tác với doanh nghiệp thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề và doanh nghiệp phát triển tốt, thuận lợi chắc chắn sẽ không quên ơn nhân dân Kim Lương.
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO CCBVN