Vũ khí lại lên ngôi
Các chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, đặc biệt ở châu Âu bởi dù có tên gọi như thế nào, diễn ra ngắn hay dài, bên nào đúng bên nào sai thì nó sẽ tạo ra một trật tự mới, một cấu trúc an ninh mới cho khu vực này.
Chiến tranh ắt phải cần đến nhiều loại vũ khí và đó cũng là lý do không thể hợp lý hơn để các quốc gia đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình để thu về những khoản lợi nhuận kếch xù. Thật đáng buồn! Trong khi thế giới cần rất nhiều nguồn lực để ứng phó với những thách thức chung như môi trường, biến đổi khí hậu… thì tiền của giờ đây lại được đổ vào để sản xuất và kinh doanh vũ khí. Nước Đức là một ví dụ.
Còn nhớ, cựu Tổng thống Mỹ - Donald Trump khi còn là ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần hối thúc các đồng minh trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Chính phủ Đức đã đưa ra một chương trình tái vũ trang trị giá 100 tỷ Euro. Sau “cuộc họp khẩn cấp” của Bộ Quốc phòng Đức ngày 28-2, các đơn đặt hàng đầu tiên dự kiến sẽ sớm được ký kết. Tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức - Rheinmetall đã đưa ra đề nghị về gói hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá 42 tỷ Euro trong vòng 2 năm. Trong năm 2020, doanh thu của tập đoàn Rheinmetall chỉ là 3,7 tỷ Euro, nhưng giờ đây tập đoàn sẽ hoạt động hết công suất. Giới chuyên gia dự báo chương trình tái vũ trang quân đội Đức sẽ làm biến đổi toàn bộ nền công nghiệp sản xuất vũ khí Đức và nâng cao vị thế của Đức trong lĩnh vực này.
Sau khi Thủ tướng Đức - Olaf Scholz tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% GDP từ năm 2024 và dành 100 tỷ Euro để hiện đại hóa quân đội Đức trong năm 2022, giá cổ phiếu của một loạt nhà sản xuất vũ khí Đức đã tăng mạnh. Đặc biệt, cổ phiếu của tập đoàn Rheinmetall đã tăng hơn 50%. Trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới năm 2020 của SIPRI, tập đoàn Rheinmetall đã tăng 5 bậc so với năm trước đó, từ vị trí thứ 32 lên vị trí thứ 27. Sắp tới, thứ tự xếp hạng của tập đoàn này có thể sẽ còn thay đổi nhiều. Đặc biệt hơn, nhà sản xuất vũ khí lớn thứ tư của Đức là tập đoàn Hensoldt cũng ghi nhận bước nhảy vọt về giá trị cổ phiếu với mức tăng tăng gần 100% kể từ cuối tháng 2 vừa qua sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra. Giá trị của các doanh nghiệp quốc phòng ở các nước châu Âu khác như BAE Systems (Anh) hay Thales Group (Pháp) cũng tăng mạnh nhưng không cao bằng các doanh nghiệp quốc phòng Đức.
Vậy nước Đức sẽ mua gì với 100 tỷ Euro trong tay? Trong kế hoạch mua sắm các loại vũ khí, trang thiết bị có trực thăng quân sự mới từ nhà sản xuất Airbus, tàu chiến thế hệ mới từ ThyssenKrupp Marine Systems và hệ thống radar mới từ Hensoldt. Ngoài ra, hơn 200 xe chiến đấu bộ binh mới và máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo (thuộc dự án Future Combat Air System - FCAS) cũng nằm trong kế hoạch. Tập đoàn Rheinmetall được coi là đối tác chính trong kế hoạch tái vũ trang này. Lãnh đạo tập đoàn Rheinmetall - ông Armin Papperger, cho biết ông đã đề xuất một hợp đồng cung cấp vũ khí cho Berlin trị giá 42 tỷ Euro trong 2 năm. Con số này cao gấp nhiều lần so với tổng doanh thu khoảng 3,7 tỷ Euro mà tập đoàn Rheinmetall đạt được trong năm 2020. Ông Papperger dự kiến nhiều nhà máy của tập đoàn sẽ hoạt động hết công suất, suốt ngày đêm theo ca. Số lượng đạn xe tăng có thể được mở rộng từ 40.000 viên mỗi năm như hiện nay lên 240.000 viên/năm. Số lượng lớn đạn dược có thể được giao trong 6 đến 12 tháng; xe bọc thép bánh lốp giao trong 15 đến 18 tháng, xe bánh xích trong 24 đến 28 tháng. Tập đoàn Rheinmetall cho biết: Hoàn toàn có thể thực hiện được điều này mặc dù Rheinmetall cũng đã nhận được yêu cầu cung cấp vũ khí cho các nước NATO khác, đặc biệt là từ Đông Âu. Theo ông Papperger, ngoài ra còn có lựa chọn “nâng cấp” xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 truyền thống của Đức thành loại xe tăng có sức chiến đấu ngang với loại hiện đại và mạnh nhất thế giới hiện nay: xe tăng T-14 Armata của Nga.
Với việc đã “xuống tiền” mạnh tay như vậy, Đức đã bất ngờ tăng chi tiêu quốc phòng ở mức lớn nhất trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Từ việc theo đuổi các quan hệ theo hướng kinh tế và chính trị, quan hệ về quân sự chắc chắn sẽ được Đức chú trọng hơn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức - Christian Lindner không giấu diếm khi cho rằng Đức sẽ có được “một trong những đội quân hiệu quả và mạnh mẽ nhất ở châu Âu trong suốt thập niên này - một trong những đội quân được trang bị tốt nhất châu Âu”. Đây chính là sự thể hiện tầm quan trọng, vị thế và vai trò của nước Đức tại châu Âu và trên thế giới.
Thanh Huyền