Vụ hơn 1.000 con trâu, bò bị “chết oan” ở Yên Bái: Đâu là sự thật?
Dịch một nơi, dập một nẻo
Theo đơn trình bày, Công ty Thẩm Hường thành lập từ năm 2004; ngành nghề kinh doanh chính là vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi gia súc, buôn bán trâu bò giống và các loại con giống vật nuôi… Năm 2009, Công ty Thẩm Hường ký hợp đồng với UBND huyện Văn Chấn cung cấp giống cho dự án (DA) phát triển đàn trâu bò.
Khi DA đang triển khai thì tại huyện Văn Chấn phát sinh ổ dịch lở mồm long móng (LMLM). Trong khi đó đàn trâu bò của Công ty Thẩm Hường đang được nuôi nhốt tại tổ 1, thị trấn Cổ Phúc và xã Nga Quán (huyện Trấn Yên).
Theo Công ty Thẩm Hường, sau khi các đoàn kiểm tra của ngành Thú y đi kiểm tra, xem xét đều có chứng nhận đàn trâu bò của Công ty Thẩm Hường không mắc dịch LMLM.
Tuy vậy, ngày 21-9-2009, UBND tỉnh Yên Bái đã ra Văn bản số 1795, theo đó đàn trâu bò có số lượng 1.689 con của Công ty Thẩm Hường phải bị “giết mổ bắt buộc”. Điều này đã làm thiệt hại cho doanh nghiệp này gần 10 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Trần Đức Lâm-Phó giám đốc sở NNPTNT Yên Bái khẳng định: Tháng 9-2009, huyện Văn Chấn mua của Công ty Thẩm Hường 828 con trâu bò thì có 93 con bị LMLM, mầm bệnh xuất phát từ đàn gia súc của Công ty Thẩm Hường nuôi nhốt tại huyện Trấn Yên.
Trong khi đó, đơn thư của bà Hường khẳng định, tại thời điểm nói trên, đàn trâu bò của Công ty Thẩm Hường nuôi nhốt tại huyện Trấn Yên không bị mắc dịch LMLM và có xác nhận của ngành Thú y. Tuy nhiên khi PV đề nghị bà Hường cung cấp những văn bản (dấu đỏ) của ngành Thú y tỉnh Yên Bái xác nhận đàn gia súc của công ty không mắc dịch LMLM, bà Hường chỉ hứa nhưng không cung cấp.
Loạn số liệu
Theo đơn của Công ty Thẩm Hường, Quyết định số 1795 của UBND tỉnh Yên Bái (do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình ký) bắt buộc Công ty phải giết mổ 1.689 con trâu bò, thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên số liệu (gửi kèm đơn) thể hiện chỉ có 91 con trâu bò bị giết.
Báo cáo của Chi cục Thú y Yên Bái lại thể hiện chỉ có 31 con bị giết vì nghi nhiễm dịch. Trao đổi với PV, ông Tạ Văn Long-Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: Phía Công ty Thẩm Hường chỉ giết thịt có 31 con trâu bò.
Để làm rõ liệu 1.689 con trâu, bò của Công ty Thẩm Hường có bị “giết oan” hay không, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với bà Trần Thị Hường-Giám đốc Công ty. Bà Hường luôn khẳng định số liệu trên là chính xác. Bà Hường còn hứa với PV là sẽ gặp phóng viên ở tòa soạn báo để cung cấp thêm tài liệu. Tuy nhiên cho đến thời điểm bài báo này lên khuôn, bà Hường vẫn… bặt vô âm tín. Vấn đề đặt ra ở đây là: Nếu 1.689 con trâu bò bị “giết oan” thì chúng bị giết trong thời điểm nào, tiêu thụ ở đâu, cơ quan nào là người xác nhận? Hàng loạt câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời từ phía Công ty Thẩm Hường. Số liệu của UBND tỉnh, Sở NNPTNT Yên Bái và của Công ty Thẩm Hường cũng… mỗi nơi một phách!
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu Công ty Thẩm Hường thực sự bị thiệt hại - 1.689 con trâu bò bị “giết oan” thì tại sao bà Hường không trực tiếp gặp PV để cung cấp tài liệu gốc để chúng minh sự oan ức của mình?
Từ khi vụ việc xảy ra (năm 2009) đến nay, Công ty Thẩm Hường đã gửi đơn đến nhiều tờ báo T.Ư, phản ánh rằng các cơ quan có thẩm quyền ở Yên Bái không đối thoại với Công ty Thẩm Hường để giải quyết vụ việc.
Trao đổi với PV, ông Trần Đức Lâm-Phó giám đốc Sở NNPTNT Yên Bái khẳng định: Phía Sở nhiều lần có văn bản mời Công ty Thẩm Hường lên để cùng giải quyết. Thậm chí Sở còn lên tận Công ty để đối thoại. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Trong buổi làm việc với PV, ông Tạ Văn Long-Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nói: Hồ sơ vụ việc 1.689 con trâu bò của Công ty Thẩm Hường có dấu hiệu làm giả con dấu của cơ quan chức năng (văn bản xác nhận không bị dịch LMLM). UBND tỉnh đang giao cho cơ quan CSĐT công an tỉnh điều tra làm rõ. Về phía tỉnh đang nỗ lực giải quyết xong trước tháng 1-2015 sẽ thông tin cho báo giới, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kết luận cuối cùng.
Trần Thụ
Nếu tỉnh sai, sẽ xin lỗi người dân
Trả lời PV Báo CCB Việt Nam, ông Tạ Văn Long-Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: Sau khi có kết luận cuối cùng về vụ việc này, nếu UBND tỉnh sai sẽ xin lỗi người dân, cá nhân nào làm sai phải xử lý theo pháp luật. Trước câu hỏi liệu UBND tỉnh Yên Bái có hỗ trợ Công ty Thẩm Hường vì cho 31 con trâu bò bị giết mổ bắt buộc, ông Long cho rằng: Theo Nghị định 179 của Chính phủ, nếu gia súc đã được giết mổ tận thu thì sẽ không được hỗ trợ. Việc Công ty Thẩm Hường có được UBND tỉnh Yên Bái hỗ trợ hay không còn phải xem xét.