Vụ Đông xuân ở ĐBSCL: Nông dân trúng mùa, được giá
Nông dân T.P Cần Thơ thu hoạch lúa Đông xuân 2020-2021.
Hiện nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bước vào thu hoạch vụ lúa Đông xuân 2020-2021, tuy có chịu áp lực của hạn, mặn, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng phần lớn nông dân đều vui mừng vì lúa trúng mùa và được giá.
Tại các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng và T.P Cần Thơ… đa phần nông dân thu hoạch bán lúa tại ruộng cho thương lái với mức giá từ 6.500-7.500 đồng/kg (tùy loại giống lúa) tăng từ 800-1.500 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước. Với mức giá bán này, sau khi trừ hết các khoản chi phí, nông dân lãi từ 32-35 triệu đồng/ha.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Vụ lúa Đông xuân 2020-2021 ở ĐBSCL xuống giống 1.516 nghìn héc-ta (giảm 30.000ha so với Đông xuân 2019-2020). Đến nay, lúa Đông xuân 2020-2021 ở ĐBSCL cơ bản đã vượt qua vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn, năng suất trung bình đạt 69,31 tạ/ha, tăng 0,96 tạ/ha; sản lượng 10.510 nghìn tấn, giảm 60.000 tấn so với cùng kỳ. “Để vụ lúa Đông xuân 2020-2021 thắng lợi vẹn toàn, Ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố tập trung nâng cao phẩm chất, tăng chất lượng lúa gạo thông qua việc nâng chất lượng khâu giống, đồng thời tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất...”.
Qua Tết Nguyên đán Tân Sửu-2021, lúa Đông xuân ở T.P Cần Thơ mới bước vào thu hoạch rộ. Tuy nhiên, nhiều thương lái đã đặt tiền cọc thỏa thuận mua lúa của nông dân với giá khá cao, sẵn sàng thu mua khi bước vào thu hoạch. Ông Cao Văn Hoàng, ở ấp Ðông Thạnh, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, T.P. Cần Thơ cho biết: “Giá lúa liên tục duy trì ở mức cao trong năm 2020 và bước vào vụ Đông xuân 2020- 2021, giá tiếp tục có chiều hướng nhích lên nên nông dân rất phấn khởi. 1,5ha lúa sạ giống Jasmine 85 của gia đình tôi trong vụ Đông xuân này khoảng 10 ngày nữa mới thu hoạch nhưng hiện đã có thương lái đặt tiền cọc để mua lúa tươi với giá 6.800 đồng/kg. Mức giá này cao hơn khoảng 1.400 đồng/kg so với vụ Đông xuân 2019-2020. Vụ này, tôi tin tưởng mình có thể kiếm được lợi nhuận trên 35 triệu đồng/ha”.
Còn ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NNPTNT T.P Cần Thơ, cho biết: “Thành phố vận động người dân làm ăn có liên kết, thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác, HTX trong cánh đồng lớn. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), ứng dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại theo hướng sinh học, hướng dẫn nông dân ghi chép sổ tay sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu từ thị trường”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung (Vị Thủy, Hậu Giang), nông dân trồng lúa phấn khởi bởi chưa bao giờ lúa lại có giá cao như gần đây, vừa thu hoạch xong 1,2ha lúa Đông xuân (giống OM 5451) bán lúa tươi cho thương lái với giá 6.700 đồng/kg. Mức giá này đang cao hơn khoảng 1.500 đồng/kg so giá bán lúa tươi OM 5451 vụ Đông xuân 2019-2020 và cao hơn gần 1.000 đồng/kg so với lúa bán lúa thơm Jasmine 85 của năm trước. “Vụ Đông xuân 2020-2021, nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên chi phí đầu tư cho vụ này khá thấp, cũng như do nông dân quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất theo khuyến cáo của Ngành Nông nghiệp, nhất là các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”…Từ đó giúp giảm lượng giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng. Vụ này chi phí sản xuất chỉ ở mức hơn 1,5 triệu đồng/công lúa. Nông dân rất mong giá lúa tiếp tục duy trì ổn định để việc thu hoạch và tiêu thụ lúa được thuận lợi, không xảy ra tình trạng “bẻ kèo” giữa nông dân và thương lái” - ông Hùng nói.
Tại ÐBSCL, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng giá gạo trong nước đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao bởi chất lượng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thị trường thuận lợi, cộng với nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới tăng cao do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đã giúp những doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, từ đầu tháng 8-2020, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo thêm động lực để các doanh nghiệp tăng cường đưa gạo ngon, chất lượng cao, giá tốt… vào thị trường châu Âu.
Bài và ảnh: Phương Nghi