Trong khi UBND TP. Hà Nội đang yêu cầu Cty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Mefrimex (địa chỉ B7 Giảng Võ, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở tái định cư và văn phòng cho thuê B6 Giảng Võ) sớm hoàn thành dự án thì Tòa án huyện Đông Anh lại ra bản án vô hiệu hóa quyết định của UBND TP.Hà Nội, giúp chủ đầu tư rũ bỏ trách nhiệm thực hiện dự án B6 Giảng Võ.
Bản án trái pháp luật?
Ngày 31-12-2013, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký ban hành Quyết định số 8018/QĐ-UBND “Về việc cho phép Tổng Công ty 36-Bộ Quốc phòng (gọi tắt TCty 36) chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà ở tái định cư và văn phòng cho thuê B6 tại phố Nam Cao, phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Mefrimex”. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Mefrimex (Cty Mefrimex) phải “thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật”.
Trên cơ sở của Quyết định 8018, ngày 23-1-2014 TCty 36 và Cty Mefrimex đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án B6 với giá trị chuyển nhượng trên 197 tỷ đồng. Cty Mefrimex phải thanh toán cho TCty 36 trong vòng 30 ngày sau khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, phía Mefrimex chỉ liên tục cam kết trả nợ và chây ỳ không chịu thanh toán, buộc TCty 36 phải khởi kiện ra TAND huyện Đông Anh đòi nợ.
Từ ngày 28-5 đến 3-6- 2015, TAND huyện Đông Anh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại theo đơn khởi kiện của TCty 36. Thay vì xem việc đòi nợ của TCty 36 có căn cứ hay không, TAND Đông Anh đã tuyên chấp nhận việc Cty Mefrimex đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng dự án B6 Giảng Võ ngày 23-1-2014 với lý do Cty Mefrimex không có đủ năng lực thực hiện dự án.
LS Nguyễn Anh Tuấn-đại diện quyền lợi của TCty 36, cho rằng: “Tòa án nhân dân huyện Đông Anh xét xử thiếu khách quan. Quá trình xét xử mặc dù không có bất cứ tài liệu, bằng chứng, kết luận, giám định nào của cơ quan chuyên môn, hành chính có giá trị pháp lý để chứng minh Mefrimex không có năng lực thực hiện dự án B6, TAND Đông Anh vẫn xác định Cty Mefrimex không có năng lực”. LS Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết: “Bộ luật Dân sự quy định “một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định’’ (Khoản 1, Điều 426). Giữa TCty 36 và Cty Mefrimex không có thỏa thuận và pháp luật cũng không có bất kỳ quy định nào cho phép Cty Mefrimex đơn phương chấm dứt hợp đồng. TAND huyện Đông Anh đã chấp nhận cho Cty Mefrimex có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng là trái pháp luật”.

Vi phạm thẩm quyền…
Bản án nói trên của TAND huyện Đông Anh đã vô hiệu hóa Quyết định 8018 của UBND TP. Hà Nội, trong khi quyết định này vẫn đang có hiệu lực pháp luật. Theo LS Nguyễn Anh Tuấn, “Quyết định 8018 của UBND TP. Hà Nội chỉ hết hiệu lực khi được UBND TP thay thế bằng một quyết định khác hoặc vô hiệu khi có bản án của tòa án cấp tương đương là TAND TP. Hà Nội tuyên”.
LS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Quyết định 8018 này là căn cứ để TCty 36 và Cty Mefrimex ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng dự án B6 Giảng Võ. Thế nhưng khi giải quyết vụ án, TAND huyện Đông Anh đã không căn cứ vào Quyết định 8018 của UBND TP. Hà Nội và các quy định pháp luật kinh doanh bất động sản để giải quyết tranh chấp, là áp dụng pháp luật phiến diện, không đầy đủ, thiếu sự tôn trọng quyết định của UBND TP.Hà Nội”.
Điều đáng lưu ý là trong khi TAND huyện Đông Anh thụ lý vụ án, ngày 1-4-2015, UBND TP.Hà Nội đã triệu tập cuộc họp về việc thực hiện dự án dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, với sự tham gia của lãnh đạo các sở: Xây dựng, KHĐT, Quy hoạch-Kiến trúc, TNMT, Tư pháp, đại diện Sở Tài chính, lãnh đạo UBND quận Ba Đình, và đã kết luận: Yêu cầu Cty Mefrimex và TCty 36 thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND TP tại Quyết định 8018/QĐ-UBND ngày 31-12-2013.
Đỗ Văn (Theo Báo Lao động)