Vụ cháy tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông: Hãy làm tất cả để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân

Bộ đội Binh chủng hóa học lấy mẫu không khí để phân tích tại hiện trường vụ cháy.

Vụ cháy tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) xảy ra ngày 28-8, cách đây đã 20 ngày, thế nhưng dư âm của nó thì vẫn còn gây lo lắng và bức xúc trong người dân. Nguyên nhân từ việc những luồng thông tin khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau được phát đi từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp về vấn đề ô nhiễm độc hại đến từ vụ cháy có ảnh hưởng ra sao đến đời sống của người dân quanh khu vực xảy ra đám cháy và môi sinh của Thủ đô Hà Nội nói chung.

Những luồng thông tin mâu thuẫn

Những thông tin khiến người dân bày tỏ sự lo lắng và bất an là chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng bất nhất, thiếu minh bạch, ban hành rồi thu hồi rút lại các thông báo. Kết luận của cơ quan chức năng này lại không đồng nhất với cơ quan kia: Chi cục Môi trường Hà Nội công bố 6 mẫu không khí lấy hôm 6 và 7-9 tại khu vực Công ty Rạng Đông cho thấy không phát hiện thủy ngân trong không khí. Trong khi đó tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 4-9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Võ Tuấn Nhân cho biết, theo tính toán của các nhà khoa học, khối lượng thủy ngân phát tán là từ 15 đến 23,2kg. Còn Công ty Rạng Đông đã thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam ít gây ô nhiễm như đã thông tin trước đó. Điều này chỉ ra, lãnh đạo doanh nghiệp này trong một nỗ lực bưng bít sự thật đã nói dối người dân và chính quyền.

Người dân phải tự ứng phó với hoàn cảnh

Sau vụ cháy hơn 2 tuần, tôi cũng tìm tới khu Hạ Đình. Cảm nhận đầu tiên khi tới đây là phố xá trầm lặng hẳn đi. Phố Hạ Đình bình thường vào giờ cao điểm là khu vực thường xuyên bị ách tắc giao thông nhưng từ khi xảy ra vụ cháy đường phố vắng tanh, xe cộ thưa thớt. Nhiều hàng quán đóng cửa hoặc ế ẩm suốt ngày. Bên cạnh đó, nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này cũng bày tỏ lo lắng vì thuỷ ngân độc hại phát tán trong không khí sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nên đã tạm thời dời đi. Trong khu vực bán kính 200m quanh Công ty Rạng Đông, đặc biệt tại các con đường quanh khu vực nhà xưởng, bên trong các nhà dân ngay sát hiện trường, vẫn có nhiều mùi khét.

Anh vợ tôi Nguyễn Ngọc Điền sinh sống tại Hạ Đình, sau sự cố đã đến ở nhờ nhà họ hàng ngoài phố. Anh cho biết: “Chính quyền phường cảnh báo nguy hiểm, quận lại thu hồi bảo an toàn nhưng sau vụ cháy, cảm giác khó chịu cho sức khỏe, lại biết thủy ngân rất độc hại nên tốt nhất là di tản để tự bảo vệ mình”. Được biết, ngày 9-9, tại Trường tiểu học Hạ Đình, 20% số học sinh đã nghỉ học vì phụ huynh lo sợ, không tin vào thông báo “Trường này trong khu vực an toàn”.

Giải quyết hậu quả và hệ lụy của vụ cháy

Ngày 9-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND T.P Hà Nội chú trọng thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố cháy, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường. Đồng thời, chịu trách nhiệm điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy, nổ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND T.P Hà Nội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm. Và đến ngày 10-9, tức gần 2 tuần sau vụ cháy Chủ tịch UBND T.P Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hóa học hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ cháy, xử lý tẩy độc toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy. Ông Chung đề nghị Bộ tư lệnh Hóa học hướng dẫn, giám sát toàn bộ quá trình thu gom, xử lý chất thải do vụ cháy để lại cũng như quá trình tẩy độc theo quy định…. Công ty Rạng Đông cũng gửi thư xin lỗi chính quyền và người dân vì để xảy ra sự cố môi trường.

Từ vụ cháy nhà xưởng Công ty Rạng Đông, mới thấy sự cần thiết phải di dời các nhà máy khỏi khu vực dân cư. Theo thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội, không chỉ trên địa bàn quận Thanh Xuân, nhà xưởng xen lẫn khu dân cư có mặt ở hầu hết các quận. Đa số các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, tuy nhiên vẫn rất khó di dời các đơn vị này ra khỏi nội đô. Bởi lộ trình, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để di dời vẫn chưa có. Không phải ngẫu nhiên mà trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội khắc phục sự cố môi trường và khẩn trương di dời nhà máy sản xuất của Công ty Rạng Đông.

Cuộc sống người dân khu vực Hạ Đình dần dần ổn định, nhiều người tạm lánh đã trở về. Nhưng sự mất mát trong vụ cháy tại Công ty Rạng Đông không chỉ là 150 tỷ đồng mà công ty thống kê, không chỉ là môi trường khu vực bị ô nhiễm, sức khỏe người dân bị đe dọa mà còn là những đổ vỡ rất khó hàn gắn về lòng tin vào hiệu lực và năng lực của bộ máy chính quyền thành phố.

Quang Vinh