Vụ án xô xát tại Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội): Đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm
Theo Bản án sơ thẩm số 157/2016/HSST ngày 30-9-2016 của TAND huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 1-11-2015, tại một quán ốc ở thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ xảy ra mâu thuẫn giữa hai nhóm người. Sau khi hai nhóm này di chuyển đến quán của Dương Tuấn Khải thì xảy ra đánh nhau.
Những người đánh nhau được xác định một bên là Lê Văn Thành, Nguyễn Minh Tiến, Lê Đức Hạnh, bên là Vũ Văn Thuần, Dương Văn Tịnh, Nguyễn Văn Quang.
Tại đây, Dương Tuấn Khải thấy hai bên xô xát, đặc biệt khi thấy Thành và Tịnh (là chú ruột mình) đang vật nhau nên Khải chạy lại giằng lấy tuýp sắt từ tay Thuần làm va vào trán Tiến, Khải cũng vụt một cái vào đầu Thành. Tuýp sắt được bị cáo Quang mang đi từ trước cho đến khi xảy ra đánh nhau.
Tại bản kết luận giám định pháp y thương tích số 303 ngày 5-11-2015 của Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc kết luận thương tích của Thành có vết thương vết mổ vùng thái dương đỉnh trái + tụ máu ngoài màng cứng + vỡ xương sọ thái dương đỉnh trái + lỗ khuyết xương sọ đáy chắc thái dương đỉnh trái, tỷ lệ thương tật tạm thời 51%.
Tại Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 655 ngày 14-12-2015 của Trung tâm Pháp y TP. Hà Nội kết luận thương tích của Tiến với sẹo phần mềm vùng trán đỉnh phải và vai phải, không ảnh hưởng chức năng, tổng thiệt hại sức khỏe tạm thời là 02%.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND huyện Sóc Sơn đã tuyên phạt bị cáo Dương Tuấn Khải 6 năm 6 tháng tù giam; Vũ Văn Thuần 6 năm tù giam; Dương Văn Tịnh 5 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Văn Quang 4 năm tù giam. Ngoài ra, Tòa án yêu cầu các bên bồi thường cho bị hại Thành 100.286.000 đồng, cho bị hại Tiến 5.101.000 đồng.
Cho rằng bản án vừa được TAND huyện Sóc Sơn vừa tuyên phạt là quá nặng, hạn chế cơ hội sớm hòa nhập với cộng đồng của các bị cáo, người nhà của các bị cáo này đã có đơn kháng cáo bản án đồng thời có đơn đề nghị giám định lại thương tật của bị hại.
Các bị cáo có đơn kháng cáo và kêu cứu gồm: Vũ Văn Thuần (1989), Dương Tuấn Khải (1995), Dương Văn Tịnh (1983), Nguyễn Văn Quang (1997). Cả 4 bị báo này đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn.
Gia đình bị cáo Nguyễn Văn Quang cho rằng, khi sự việc xảy ra Quang mới 17 tuổi, là tuổi vị thành niên nên chưa ý thức được hành vi của mình cũng như mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Ông Dương Văn Khang, bố đẻ của bị cáo Khải thì cho rằng sự việc xảy ra là ngoài ý muốn của con ông. Vì thấy chú ruột mình bị đánh nên mới chạy ra can ngăn và giành giật thanh sắt chứ không có ý định đánh nhau từ đầu. Việc Khải giành lấy tuýp sắt từ tay Thuần để đánh cảnh cáo vào lưng anh Thành chứ không cố ý gây thương tích.
Gia đình bị cáo Dương Văn Tịnh và bị cáo Vũ Văn Thuần lại cho rằng anh Thành cũng là người phải chịu trách nhiệm một phần, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến yếu tố nguyên nhân mẫu thuẫn cũng là do anh Thành.
Ngoài ra, gia đình các bị cáo đã có đơn đề nghị TAND TP. Hà Nội tiến hành trưng cầu giám định lại tỷ lệ thương tật của anh Lê Văn Thành. Cho rằng tỷ lệ thương tích của anh Thành không thể lên đến 51%, vì thấy anh Thành vẫn khỏe mạnh bình thường.
Hơn nữa, các bị cáo cũng đều chưa có tiền án, tiền sự, đây là vi phạm lần đầu, không có ý định sẽ gây thương tích cho bị hại. Các bị cáo cũng đã khắc phục và bồi thường phần dân sự đầy đủ. Nên gia đình các bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét bản án thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội, giúp các bị cáo sớm có cơ hội hoàn lương, sớm hòa nhập với cộng đồng.
Chính Nhi-Lê Thanh