Vụ án tranh chấp tại khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn II: Quyết định của TAND Cấp cao bị… “tuýt còi”!

Theo doanh nhân CCB Trần Quang Khải Toàn bộ 99 lô đất, với diện tích khoảng 1ha bám mặt quốc lộ 38 (phần gạch trong phối cảnh dự án) đã bị Cty Hà Nam nhiều lần “vẽ” thay đổi quy hoạch, khiến cho hơn 3.000m2

TAND Tối cao đã có Quyết định kháng nghị Quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm số 20/QĐ-ĐCXXGĐT ngày 17-12-2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội liên quan đến vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại tại Khu nhà ở Phục vụ Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam, giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam và Công ty TNHH Khải Hương (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TST) do doanh nhân CCB Trần Quang Khải làm chủ…

Cuối tháng 9-2024, TAND Tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị số 17/2024/KN-KDTM đối với Quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm số 20/QĐ-ĐCXXGĐT ngày 17-12-2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội liên quan đến vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại tại Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam (Cty Hà Nam) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TST (Cty TST).

Theo Quyết định kháng nghị, có 10 điểm mấu chốt được TAND Tối cao chỉ ra những thiếu sót, vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh Hà Nam và Quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm số 20/QĐ-ĐCXXGĐT ngày 17-12-2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Hợp đồng góp vốn thực hiện theo nghị quyết Đại hội cổ đông

Cụ thể, Quyết định kháng nghị của TAND Tối cao xét thấy: “Quá trình giải quyết vụ án, Cty Hà Nam và Cty TST đều trình bày thống nhất, phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án về việc tại thời điểm ký kết “Hợp đồng góp vốn đầu tư và sử dụng đất lâu dài tại Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II” số 24/HĐKT (gọi tắt là “Hợp đồng góp vốn số 24”) ngày 1-12-2006, thì Công ty TNHH Khải Hương (sau đổi tên thành Cty TST) là cổ đông sáng lập của Cty Hà Nam (Chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II), đã thực góp 10,802 tỷ đồng, tương ứng 24% vốn điều lệ Cty Hà Nam.

Bên cạnh đó, tại phiên họp bất thường thể hiện tại Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngày 18-11-2005, HĐCĐ Cty Hà Nam đồng ý với đề nghị rút vốn của Công ty TNHH Khải Hương (Cty Khải Hương) và trả lãi phần vốn góp cho Cty Khải Hương với số tiền là 10 tỷ đồng bằng giá trị đất tại Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II.

Đáng chú ý, tại Biên bản họp ngày 20-10-2006 thể hiện ĐHĐCĐ Cty Hà Nam đã thống nhất qua nghị quyết: “ 3.1. Hủy bỏ quyết định về việc giải quyết yêu cầu rút vốn của Cty Khải Hương theo Biên bản cuộc họp ĐHĐCĐ ngày 18-11-2005.

3.2. Chấp thuận việc Cty Khải Hương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Cty Hà Nam cho Công ty Cổ phần ATA (Cty ATA) với giá là 10,802 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, Cty ATA sẽ nắm giữ thêm 24% cổ phần tại Cty Hà Nam; Cty Khải Hương sẽ chấm dứt tư cách cổ đông tại Cty Hà Nam.

3.3. Khoản tiền 3 tỷ đồng mà Cty Khải Hương đã nhận từ Cty Hà Nam (do thực hiện thỏa thuận rút vốn ngày 18-11-2005) sẽ không phải hoàn trả lại, mà coi đó là tiền thanh toán lần thứ 1 cho hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa Cty Khải Hương và Cty ATA thông qua tài khoản của Cty Hà Nam. Số tiền 3 tỷ trên đây không được coi là vốn góp cổ phần của Cty ATA vào Cty Hà Nam.

3.4. Cty Hà Nam và Cty Khải Hương ký Hợp đồng góp vốn đầu tư sử dụng đất lâu dài 99 lô tại Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II với giá ưu  đãi trung bình là 541.447 đồng/m2 (bằng 5.606.994.335 đồng) sau khi các lô đất này được giải chấp tại ngân hàng. Theo đó, Cty Khải Hương được sử dụng lâu dài các lô đất trên mà không phải trả tiền sử dụng đất cho Cty Hà Nam và Nhà nước. Việc ký kết thực hiện hợp đồng phải theo quy hoạch của Dự án”.

Kháng nghị của TAND Tối cao còn cho rằng “Hợp đồng góp vốn số 24” được ký kết giữa Nhà đầu tư thứ cấp là Cty Khải Hương (bên B) với Chủ đầu tư dự án là Cty Hà Nam (bên A) là thực hiện nghị quyết của ĐHĐCĐ Cty Hà Nam.

Không chỉ vậy, tại bản tự khai ngày 5-1-2017 của Cty TST có nội dung: Chúng tôi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Cty ATA với giá 10,802 tỷ đồng. Việc thanh toán số tiền này được thực hiện như sau: Số tiền 3 tỷ đồng Cty TST nhận từ Cty Hà Nam là khoản tiền thanh toán của Cty ATA. Số tiền 5.606.994.335 đồng được chuyển thành tiền góp vốn đầu tư vào đất tại Khu công nghiệp; Cty TST được ký Hợp đồng góp vốn đầu tư sử dụng lâu dài 99 lô đất với giá ưu đãi trung bình là 541.477 đồng/m2 - tương đương là 5.606.994.335 đồng (thực tế là 15.606.994.335 đồng bao gồm 10 tỷ đồng tiền lãi). Số tiền 2.195.005.665 đồng được Cty ATA thanh toán chậm nhất hết ngày 30-12-2006.

Nhận định thiếu cơ sở, phán quyết vội vàng!

TAND Tối cao cũng chỉ rõ: “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm nhận định thực chất các bên ký Hợp đồng góp vốn số 24 để cấn trừ vào phần vốn góp mà Cty Khải Hương rút vốn ra khỏi Cty Hà Nam, không có việc ngày 1-12-2006 Cty Khải Hương góp vốn vào Cty Hà Nam, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không thu thập đầy đủ chứng cứ về việc chuyển nhượng và thanh toán theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa Cty Khải Hương với Cty ATA; Cty ATA có quyền gì đối với 99 lô đất và việc không đưa Cty ATA vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để làm rõ Hợp đồng góp vốn số 24 là hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng này có giả tạo để che giấu việc Cty Khải Hương rút vốn khỏi Cty Hà Nam hay không? Có bị vô hiệu theo quy định của pháp luật hay không? mà đã quyết định buộc Cty Hà Nam trả lại số tiền 5.606.994.335 đồng cho Cty TST là chưa đủ cơ sở”.

Việc Cty Hà Nam cho rằng Hợp đồng góp vốn số 24 vô hiệu do dự án chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét, thẩm định tại chỗ để xác định các lô đất là đối tượng mà các bên giao kết đã hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng hay chưa mà kết luận bản chất của Hợp đồng góp vốn số 24 là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các lô đất mà các bên đã giao kết vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng, từ đó quyết định Hợp đồng góp vốn số 24 vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật cũng là chưa đủ căn cứ.

Bên cạnh đó, 3 biên bản bàn giao mặt bằng ngày 1-12-2006 cho thấy, Cty Hà Nam đã bàn giao 99 thửa đất cho Cty TST theo Hợp đồng góp vốn số 24. Quá trình giải quyết vụ án, trình bày của các đương sự mâu thuẫn nhau về vấn đề bàn giao các lô đất. Cty Hà Nam trình bày đã bàn giao 99 lô đất để Cty TST quản lý, còn Cty TST cho rằng chưa bao giờ được nhận đất bàn giao, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét, thẩm định tại chỗ để xác định bên nào đang quản lý 99 lô đất này, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định Cty TST đã nhận bàn giao đất theo Hợp đồng góp vốn số 24; từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định buộc Cty TST phải hoàn trả Cty Hà Nam diện tích đất còn lại, còn Tòa án cấp phúc thẩm quyết định giao Cty Hà Nam tiếp tục quản lý diện tích đất còn lại theo Hợp đồng góp vốn số 24, đều là chưa đủ căn cứ.

Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi của Cty Hà Nam là 60%, còn Cty Khải Hương là 40%. Sau khi xét xử sơ thẩm, Cty Khải Hương kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Cty Hà Nam. Cty Hà Nam không kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm xác định lỗi của Cty Hà Nam là 55%, lỗi của Cty Khải Hương là 45%, là xác định lại lỗi các bên, vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm nên đã vi phạm Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự.

“Bắt lỗi” cấp dưới và quyết định... kháng nghị!

Sau khi ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 02/2021/KN-KDTM ngày 26-2-2021, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội xác định việc kháng nghị là không cần thiết và đã quyết định rút kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định rút kháng nghị giám đốc thẩm, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Nam; tuy nhiên, sau đó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội lại ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 335, khoản 1 Điều 337 Bộ Luật tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên, TAND Tối cao đã Quyết định kháng nghị đối với Quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm số 20/QĐ-ĐCXXGĐT ngày 17-12-2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Đồng thời, TAND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định đình chỉ nêu trên; hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 01/2017/KDTM-PT ngày 21-4-2017 của TAND tỉnh Hà Nam và hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2016/KDTM-ST ngày 26, 29, 30-9-2016 của TAND huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam về vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng góp vốn” giữa nguyên đơn là Cty Hà Nam và bị đơn là Cty Khải Hương (nay là Cty TST). Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Duy Tiên (nay là thị xã Duy Tiên), tỉnh Hà Nam xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định pháp luật và tạm đình chỉ thi hành Quyết định đình chỉ xét xử giám đốc số 20/QĐ-ĐCXXGĐT ngày 17-12-2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Như vậy, sau gần 10 năm ròng rã đeo đuổi vụ kiện, ánh sáng công lý đã đến gần hơn với Cty TST do CCB - doanh nhân Trần Quang Khải làm chủ.

Trước đó, từ năm 2016 đến 2021, Báo CCB Việt Nam luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng với CCB - doanh nhân Trần Quang Khải để phản ánh, đưa vụ việc “cầm cân nẩy lệch công lý” của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm ở tỉnh Hà Nam và TAND cấp cao tại Hà Nội trên mặt báo, đồng thời Báo CCB Việt Nam còn làm văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền vụ việc này… Tới nay, Quyết định kháng nghị số 17 của TAND Tối cao nêu trên cho thấy thể hiện sự đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời cho thấy đây là thành quả của sự kiên trì, kiên cường của những người lính cựu sau gần 10 năm đi tìm công lý!

Chính Nhi