VPF lên phương án phòng chống tiêu cực trong giai đoạn cuối V-League (12/07/2012)

Cuối mùa bóng 2011, cuộc đua trụ hạng nóng bỏng với sự tham dự của Hà Nội ACB, Khánh Hòa, Hải Phòng. Hải Phòng bị cho là yếu thế nhất. Nhưng tới vòng 23, gió đổi chiều theo hướng có lợi cho Hải Phòng. Trên sân Lạch Tray, Hải Phòng thắng Hòa Phát 2-1 trong trận đấu mà giới chuyên môn đánh giá, trọng tài Trần Công Trọng là ngôi sao của Hải Phòng. HLV Nguyễn Thành Vinh của Hòa Phát thì nói rằng, trọng tài Trọng đã buộc đội ông thua trận bởi những pha cắt còi xử ép. Tức tối vì trọng tài Trọng, Hòa Phát sau đó đã xem vụ này như là một trong những lý khiến họ bỏ bóng đá sau 8 năm gắn bó.

Chỉ một vòng sau đó, Hải Phòng tới làm khách ở sân Gò Đậu của Bình Dương. Trận này, rất nhiều cầu thủ chủ nhà, đặc biệt là Leandro - người cũ của Hải Phòng đã chơi dưới sức. Phút 52, Aniekan ghi bàn đưa Hải Phòng dẫn trước 1-0. Tới gần cuối trận, một hậu vệ của Hải Phòng mắc lỗi trong vòng cấm. Lỗi là rất rõ ràng mà nói theo giới chuyên môn thì ngoài trọng tài Nguyễn Văn Quyết, ai cũng có thể nhìn thấy. Ông Quyết bỏ quả 11m cho Bình Dương, giúp Hải Phòng giành thắng lợi chung cuộc 1-0.

Buổi lễ tổng kết mùa bóng 2011, khi nói về kết quả, ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã đặt vấn đề, Hải Phòng có xứng đáng với một suất trụ hạng không. Trước khi ông Kiên nêu vấn đề, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự trợ giúp của hai ông trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết, Hải Phòng đã phải xuống hạng Nhất. Nhiều CĐV Hải Phòng từng tâm tự trên diễn đàn rằng, họ thấy xấu hổ vì đội bóng phải nhờ tới “Ủy ban chống xuống hạng” được thành lập vội vã, mới trụ lại được V-League. Cũng giới CĐV Hải Phòng tới giờ vẫn râm ran bàn tán về gói “doping” tiền thưởng tới 10 tỷ đồng cho suất trụ hạng mùa trước. Hải Phòng đã trụ hạng nhưng không biết khoản tiền này đã được giải ngân thế nào mà các cầu thủ chỉ nhận mỗi người vài chục triệu tiền thưởng vào cuối mùa. Không chỉ hưởng lợi từ tiếng “còi đen”, Hải Phòng còn được xem là đội có quan hệ rộng với các đội bóng khác dựa trên nguyên tắc “3 đi, 3 về”.SLNA, Thanh Hóa và Khánh Hòa được cho là ba đối tác chung thủy nhất của Hải Phòng. Khi gặp các đối thủ này, Hải Phòng thường thắng sân nhà, thua sân khách.

V-League ở đoạn cuối, còn có thể xuất hiện tiêu cực theo cách khác. Các đội bóng đá đủ điểm trụ hạng, nhưng không thể với tới các vị trí có huy chương, sẵn sàng “cho” điểm những đối tác lâu năm của mình.

V-League năm nay không phải là ngoại lệ. Ở buổi tổng kết giai đoạn một, ông bầu Nguyễn Đức Kiên từng bóng gió về chuyện vài đội bóng vẫn còn dính dáng đến tiêu cực. Ông Kiên thậm chí để ngỏ khả năng sẽ loại những đội bóng này vào cuối mùa.

Cũng không xa xôi, ngay ở trận đấu bù vòng 14, Sông Lam và Đà Nẵng đang chịu nhiều ánh mắt nghi ngờ. Đà Nẵng và Hà Nội T&T là hai đội bóng cùng một chủ. Giới chuyên môn tin rằng, hai cái tên này đã song hành, nâng đỡ theo hướng có lợi cho cả hai. Lượt về V-League, Sông Lam gây bất ngờ khi đánh bại Hà Nội T&T tới 6-2 ở Hàng Đẫy. Có ý kiến cho rằng, vì đã “vay” điểm của “người em” Hà Nội T&T, giờ Sông Lam phải trả cho “người anh” là Đà Nẵng mới phải đạo. Tin đồn không thể kiểm chứng nhưng nhìn Sông Lam đá hời hợt trước Đà Nằng thì có vẻ họ đã tự thua.

Với trận thua Đà Nẵng 0-4, Sông Lam hầu như đã hết cơ hội đua vô địch. Ngôi vị cao nhất V-League giờ đây gần như đã là chuyện nội bộ của "nhà" bầu Hiển, với sự chứng kiến của Sài Gòn Xuân Thành.

Top đầu không còn tính hấp dẫn, mọi sự chú ý đang dồn về cuối bảng nơi Hải Phòng gần như đã xuống hạng thì có tới 8 đội bóng có khả năng phải nhận một suất theo chân Hải Phòng. Nỗi lo tiêu cực vì thế đang ám ảnh BTC. Theo tiết lộ của trưởng giải Trần Duy Ly, kỳ nghỉ Euro, VPF đã vắt chân lên cổ lo chống tiêu cực. Theo đó, trước mỗi vòng đấu, BTC giải sẽ chọn ra những trận nghi “có mùi”, cử trọng tài giỏi và người xuống giám sát. Ông Ly cho biết, VPF có thể mời an ninh song hành ở đoạn cuối V-League. Vài ngày tới VPF sẽ họp với 28 CLB hạng Nhất, V-League, bàn phương án phòng ngừa tiêu cực.

Quỳnh Anh (TH)