Vốn ODA cam kết cho Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD (08/12/2010)

Con số được công bố tại phiên bế mạc hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG). Đứng đầu cam kết về ODA là nhà tài trợ đa phương Ngân hàng Thế giới (WB) và nhà tài trợ song phương Nhật Bản.

Tại hội nghị CG năm ngoái, các nhà tài trợ đã cam kết trên 8 tỷ USD ODA cho

Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 7 - 7,5%, thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn…Việt Nam dự tính phải huy động nhiều nguồn vốn.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm theo giá thực tế dự kiến khoảng 290 tỷ USD, trong đó, vốn nước ngoài chiếm khoảng 30%. Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, trong 5 năm tới, vốn ODA cam kết dự kiến phải đạt khoảng từ 32 đến 34 tỷ USD, giá trị ODA ký kết mới khoảng 18 đến 22 tỷ USD và thực hiện vốn ODA 15 đến 17 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho biết, từ nay đến 2020, Việt Nam cần từ 60 đến 70 tỷ USD để phát triển hàng nghìn km đường cao tốc, đường nội đô, xây dựng các nhà máy điện với công suất hàng chục nghìn mw… mà ngân sách nhà nước hay nguồn vốn vay ưu đãi không thể đáp ứng.

Báo cáo tiến độ hiệu quả viện trợ của Diễn đàn hiệu quả viện trợ ODA (do Việt Nam và Nhật Bản thực hiện) cho biết là nước thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ hợp tác với các đối tác phát triển để chuẩn bị một kiến trúc quan hệ đối tác viện trợ mới.

Một đề án về sử dụng ODA giai đoạn 5 năm tới dự thảo chính sách ODA sẽ thúc đẩy sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào quá trình phát triển, đặc biệt là khu vực tư nhân thông qua việc sử dụng vốn ODA như “vốn mồi” để thu hút nhiều nguồn tài chính nhằm đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng thông qua phương thức “công - tư hợp tác” (PPP).

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cho hay trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, tiền tài trợ và các dạng tài chính ưu đãi khác cho Việt Nam sẽ giảm đi, trong khi nguồn tiền đắt hơn sẽ tăng lên. Phải bảo đảm vay nợ sẽ được thực hiện một cách trật tự để an toàn nợ trong giới hạn kiểm soát được trong khi không làm ngưng trệ quá trình phát triển.

Nhóm các Tổ chức LHQ cho hay Việt Nam được coi là một quốc gia đi đầu về hiệu quả viện trợ trên phạm vi toàn cầu, nhưng nhiều thách thức đối với hiệu quả viện trợ còn tồn tại. Như việc nguồn vốn ODA đa phần được sử dụng thông qua các mô hình ban quản lý dự án và ban thực hiện chương trình theo cách truyền thống từ trước đến nay, chứ không phải thông qua các cách tiếp cận dựa trên chương trình hay sử dụng các hệ thống hiện có ở trong nước.

Tại hội nghị CG cuối kỳ năm nay, LHQ đã hoan nghênh sáng kiến mới đây của Chính phủ trong việc đẩy mạnh sửa đổi Nghị định 131 nhằm đơn giản hóa các khuôn khổ ODA và thúc đẩy việc sử dụng các cách tiếp cận dựa trên chương trình.

Hoàng Linh (TH)