Với chiến sĩ của Tuấn mã Trường Sơn (17/12/2010)

Phạm Tiến Duật gắn bó thân thiết với chúng tôi – những chiến sỹ của Tiểu đoàn 102 anh hùng, thuộc Đoàn vận tải Quang Trung, Đường 559. Đại tá tư lệnh đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên đã từng tự hào đặt tên cho Tiểu đoàn: Tuấn Mã Trường Sơn, vì mỗi mùa khô, chúng tôi phải vận chuyển ra tiền tuyến hàng vạn tấn hàng. Nhiệm vụ nặng nề, chiến trường thì ác liệt là thế, vậy mà chúng tôi vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; người trước ngã, người sau tiến lên, không hề chùn tay lái. Năm 1971, ta mở chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, Phạm Tiến Duật được phân công xuống Tiểu đoàn 102, công tác ở Ban tuyên huấn. Mỗi lần thâm nhập thực tế chiến trường, anh thường ngồi trên chiếc xe ôtô của tôi, kể cả nhà văn Lê Lựu cũng vậy. Với tay lái của tôi, các anh rất yên tâm, bởi tôi có kinh nghiệm nắm được quy luật hoạt động của máy bay Mỹ cũng như thủ đoạn của chúng, lại nắm được đặc điểm của đường rừng Trường Sơn, do vậy, xe rất an toàn, tránh được tổn thất hàng hóa và thương vong. Chúng tôi thân thiết, coi nhau như anh em cũng vì lý do ấy. Những bài thơ Phạm Tiến Duật nói về những chiến sỹ lái xe vận tải Trường Sơn chính là nói về hình ảnh của Tiểu đoàn 102 chúng tôi đấy:

“… Xe không kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi” (Tiểu đội xe không kính).

Chẳng những nhà thơ Phạm Tiến Duật ca ngợi lính lái xe chúng tôi mà cả nhạc sĩ Trần Tiến cũng từng ca ngợi trong một bài hát của anh: “Xe ta đi như đoàn Tuấn Mã phi nhanh: Tiền tuyến đang mong. Hậu phương tin yêu. Dù Trường Sơn gian khổ; dẫu có nguy nan vẫn đạp bằng, đưa tới chiến trường tấm lòng hậu phương…”. Phạm Tiến Duật gắn bó với tôi không phải vì đã bao lần cùng đi trên những cung đường máu lửa mà anh còn dậy tôi làm thơ, giải thích luật luật bằng, trắc; đôi khi ngồi trên xe cùng làm chung một bài thơ, mỗi người góp một câu. Rất vui. Thời chiến tranh, cái sống, cái chết cận kề nhau, nhưng kỷ luật quân đội và kỷ luật đoàn thể rất nghiêm mình. Nhiệm vụ viết bích báo cũng là một nhiệm vụ không thể coi nhẹ. Có nhóm tải thương dưới trời mưa Trường Sơn tầm tã, đường trơn như đổ mỡ, thế mà vẫn nghĩ ra thơ:

Giao liên lên dốc làm thơ

Cho tờ bích báo đang chờ bài đăng

Ý thơ nâng bước càng hăng

Xong thơ xong cả một ngày cáng thương

Nhờ nhà thơ Phạm Tiến Duật nên tôi cũng võ vẽ biết làm thơ để có thể viết bài nộp cho bích báo. Chị không thể tưởng tượng được đâu, chiến trường ở Xèng Phan khốc liệt lắm, một ngày bom Mỹ có thể phá tan một trái núi và lấp một dòng sông, Phạm Tiến Duật đã thể hiện sự khốc liệt đó trong bài thơ: “Tiếng bom Xeng Phan”, có trong tập thơ, Phạm Tiến Duật viết tay tặng tôi. Hiện nay quyển thơ đó nữ bác sĩ Trâm – cùng ở chiến trường với tôi đó đang cầm. Dịp nào lấy lại, tôi sẽ đưa cho chị xem nhé. Tôi xuất ngũ năm 1975, tình cảm giữa tôi và Phạm Tiến Duật vẫn thân thiết như xưa. Lần nào anh về Bắc Ninh cũng ghé qua nhà tôi chơi. Phạm Tiến Duật đúng là nhà thơ của Trường Sơn. Cánh chiến sỹ vận tải chúng tôi thuộc thơ anh rất nhiều và rất yêu quý anh”.

CCB Nguyễn Văn Vũ trở lại đời thường sau ngày đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước với nhiều tầm Huân chương, trong đó có 2 tấm Huân chương chiến công, ghi nhận công lao của anh, của một thời đánh Mỹ oanh liệt. Gia đình anh hiện ở khu 3, Phường Vệ An – Thành phố Bắc Ninh. Mấy chục năm về trước, gia đình anh còn nhiều khó khăn lắm, nay cuộc sống đã ổ định và ngày một nâng lên nhiều. Nhắc lại kỷ niệm của một thời máu lửa, nét mặt người chiến sỹ lái xe của Tiểu đoàn 102 anh hùng – những con Tuấn Mã Trường Sơn lại rạng rỡ, ngời sáng nhớ về một thưở không thể nào quên; “Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…” năm nào lại hiện lên rõ ràng cùng, với những câu thơ đẹp của Phạm Tiến Duật:

“Trường Sơn em đi mấy mùa mưa trắng núi

Đã mấy mùa khô đỏ rực lá rừng…”

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mãi mãi đi xa, song những câu thơ, những bài thơ của anh thì mãi mãi còn đó cùng trang sử hào hùng của đất nước, của dân tộc cũng như trong lòng đồng đội của anh, còn mãi trong chúng ta.

Quý Hoa