Voi 559 giải cứu “voi sắt”
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam) là một trong số ít chiến sĩ lái xe đầu tiên có mặt trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong số những kỷ niệm sâu sắc về những ngày đầu vào tuyến, ông không quên những chú voi 559. Ông kể lại:
Từ năm 1962, quân vào chiến trường ngày càng nhiều, có cả đơn vị chủ lực. Khi quân vào nhiều, lương thực, thực phẩm cũng phải chuyển vào bảo đảm ngày càng nhiều và được tập kết ở khu kho Trung đoàn 70 vận tải bộ. Nội bộ Đoàn 559 thời gian này có một đại đội xe, chủ yếu phục vụ nội bộ. Vì vậy, theo yêu cầu của Đoàn 559, xe của tôi và xe của anh Vũ Văn Bẩm (quê Vũ Tiên, Vũ Thư, Thái Bình) vừa vào tuyến, được biệt phái cho Đoàn 559, và ở luôn khu kho của Trung đoàn 70 tại Làng Ho (điểm đầu của tuyến 559 thời điểm này). Vào đây, chúng tôi thường tiếp xúc với các bác Chu Đăng Chữ - Trung đoàn trưởng, bác Nguyễn Danh - Chính ủy Trung đoàn, bác Tứ - Chủ nhiệm hậu cần… Nhiệm vụ chính của hai xe biệt phái là chuyển gạo, muối trên quãng đường dài chừng bốn cây số từ Làng Ho vào C1 (dưới chân đỉnh 1001 - một địa danh rất quen thuộc của những ai đã hành quân qua tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường).
Quãng đường hơn bốn cây số này chủ yếu là lòng suối cạn; bộ đội có cải tạo, dọn dẹp, hất bớt những tảng đá hộc ở lòng suối để xe chúng tôi có thể “bò” được. Ở quãng suối cong, thì mở lối đi thẳng không theo lòng suối. Quãng này đi qua một khu đất có nhiều chuối, nên anh em đặt tên là Rừng Chuối. Điều ấn tượng nhất là thời gian biệt phái vào Làng Ho, hai xe chúng tôi thường chuyển hàng với ba thớt voi, do các quản tượng lão luyện là Cầm Bá Ẹt, Hà Văn Côi và Nguyễn Trùng Dương điều khiển. Được tăng cường hai “voi sắt”, nên ba thớt voi, mỗi tuần được nghỉ một ngày. Trong khi đó, xe chúng tôi thì chạy bất kể ngày đêm nếu đơn vị cần. Bởi vậy, anh em chúng tôi đùa với nhau là voi 559 được hưởng chế độ nghỉ ngày chủ nhật như công nhân; sướng hơn cả “voi sắt”.
Xe chúng tôi chạy dưới lòng suối được bộ đội dọn dẹp, gia cố qua loa, nên thỉnh thoảng lại sa xuống hố hoặc vướng đá tảng, kẹt lại. Ngày này qua ngày khác, vì ít người và đề “dành” quần áo, nên anh em lái xe chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc. Hễ “voi sắt” bị vướng đá hộc hoặc sa hủng (hố) lớn lại trần mình ra khắc phục, có lúc phải nhờ tới mấy thớt voi. Khi đó, chúng tôi cho buộc dây xích vào chân con voi đi trước để kéo, cho con đi sau ghé đầu vào xe đẩy. Cứ voi trước kéo thì voi sau đẩy mạnh, đưa “voi sắt” qua chỗ bị sụt rất lẹ làng.
Chỉ ở Làng Ho một thời gian rồi chuyển qua tuyến khác. Sau này, chúng tôi biết, do phải nuôi voi khá phức tạp, tốn lương thực, nên việc sử dụng voi chuyển hàng trên tuyến 559 chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn.
Hưng Nguyễn ghi theo lời kể của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn