Vợ tôi - thời “Phụ nữ ba đảm đang”

Giữa đơn vị và địa phương có mối quan hệ kết nghĩa rất chặt chẽ, thấm đẫm tình cảm quân dân, nhờ chi đoàn thanh niên hai bên làm cầu nối, tôi được làm quen đồng chí bí thư chi đoàn thôn là Nguyễn Thị Hoan vừa xinh xắn, vừa giỏi giang. Cô là một trong rất nhiều phụ nữ thuộc thế hệ “ba đảm đang”, gần như hoàn toàn thay thế cho cánh đàn ông trẻ khoẻ đã ra mặt trận chống Mỹ cứu nước. Mới 19 tuổi, nhưng Hoan đã là một đảng viên nhiệt tình, năng nổ, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của địa phương giao cho. Từ chỗ quan hệ với nhau trong công tác, tôi và Hoan đi đến quan hệ tình cảm. Được chi đoàn hai bên ủng hộ, giúp đỡ, tháng 12-1967 âm lịch, đám cưới của chúng tôi đã được tổ chức theo đời sống mới, giản dị nhưng cũng rất vui, bộ đội và nhân dân đến dự rất đông, lại có sự chứng kiến của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo địa phương cùng họ hàng nội, ngoại.
Tháng 5-1968, tôi đón Hoan về nhà mình ở thôn Xuân Thụ. Hồi đó, bố mẹ tôi còn cả và hai chú em tôi đang đi học. Tất cả gia đình ở trong ngôi nhà ba gian làm bằng tre, nứa, lá, tường trát vách đất. Tôi khi đó đã chuyển sang trung đoàn Sông Thao, trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, thường xuyên vắng nhà. Vì bố mẹ tôi đều đã cao tuổi, mẹ tôi lại ốm nặng, nên mọi việc đều trông cậy vào Hoan. Bắt tay vào công việc đồng áng một thời gian, cô được bà con bầu làm đội phó đội sản xuất số 8 của HTX nông nghiệp xã Đồng Nguyên. Ngoài công tác, cô còn là lao động giỏi, một buổi sáng, cô có thể cày được tới 3 sào bắc bộ. Trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, đội sản xuất số 8 của Hoan được xếp vào loại khá, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Năm 1968 là năm giặc Mỹ ném bom rất ác liệt, Hoan đào một cái hố cá nhân ở trong buồng để bố mẹ tôi có thể xuống đó trú ẩn. Rồi mẹ tôi ốm nặng tới mức nằm liệt giường. Những lúc vệ sinh cho mẹ, nước chảy xuống hố, Hoan chẳng ngại ngần nâng giấc cho cụ, xong lại chui xuống hố múc nước đổ đi. Lúc mẹ tôi nguy kịch nhất, cô đưa cụ đi cấp cứu cách nhà hơn 10km, được ít ngày thì cụ qua đời. Khi đó, tôi cùng đơn vị đang đi chống lụt ở Vĩnh Phú (cũ) nên hoàn toàn không biết gì? Khi biết tin, tôi về đến nhà thì mộ cụ cỏ đã mọc xanh rồi…
Thời gian thấm thoát trôi đi, bố tôi tuổi cao dần và cũng ốm đau trong một thời gian dài. Lần ốm lâu nhất tới 4 tháng, lại vợ tôi chăm nom. Trong 45 năm về nhà chồng, đảm đang thế nên vợ tôi được bà con lối xóm rất quý mến, cảm thông. Với số tiền từ lao động mà có, cộng với sự chi tiêu tiết kiệm, cùng với sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, năm 1979, vợ chồng tôi đã làm được căn nhà gỗ xoan lợp ngói thay cho căn nhà lá tường vách bằng đất xưa kia do các cụ để lại. Rồi tới năm 2005 thì vợ chồng tôi xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố, rộng hơn 100m2…
NGUYỄN TIẾN AN