Virus tự biến mất?

Châu Phi hiện có khoảng 1,3 tỷ dân và chưa tới 6% trong số họ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Đây là thông tin đáng lo ngại bởi các nước ở châu lục này phần lớn có điều kiện sống và y tế kém, khó chống chọi với sự tấn công của virus gây đại dịch Covid-19. Thế nhưng, theo số liệu mà châu Phi báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 18-10, toàn châu lục chỉ ghi nhận 8,4 triệu ca mắc Covid-19 và thực hiện tổng cộng 70 triệu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, cũng theo dữ liệu của WHO, các ca nhiễm dịch ở châu Phi đã giảm kể từ tháng 7, số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.

Chẳng những thế, cùng với điều kiện y tế và kinh tế kém, người dân châu Phi giờ đây đã gần như trở lại cuộc sống bình thường với các cuộc hội họp đông người và không đeo khẩu trang.

Virus đã tự biến mất ở châu Phi? Theo các nhà khoa học, việc thu thập dữ liệu về Covid-19 ở châu Phi có thể chưa chính xác, nhất là khi các quốc gia châu Phi có hệ thống giám sát chắp vá. Do đó, xu hướng dịch Covid-19 đang suy giảm ở châu Phi có thể dễ dàng bị đảo ngược.

Mặc dù vậy, nhưng khoa học vẫn chưa giải thích được thực tế tỷ lệ tiêm vắc-xin ở châu Phi thấp và cuộc sống trở lại bình thường ở châu Phi. Một số nhà nghiên cứu cho biết dân số của lục địa này rất trẻ, độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu. Ngoài tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn, xu hướng dành thời gian ở ngoài trời nhiều có thể giúp người dân tránh được tác động của virus nhiều hơn.

Một số nghiên cứu đang thăm dò xem liệu có thể có những giải thích khác, bao gồm cả lý do di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng hay không. Dẫu gì, tin tốt vẫn là cuộc sống bình thường đang trở lại châu Phi và cần câu trả lời thỏa đáng từ phía các nhà khoa học.

Nam Long