VĨNH PHÚC: Ông Phạm Văn Du và Kim Văn Thuần vẫn chưa được công nhận là lão thành cách mạng?

Thực hiện việc xem xét công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước ngày 19-8-1945 đã hi sinh, từ trần, Huyện ủy Vĩnh Tường đã hoàn thiện báo cáo về tỉnh 202 hồ sơ, hiện Tỉnh ủy đã công nhận 164 hồ sơ. Trong số chưa được công nhận có hai trường hợp của hai ông Kim Văn Thuần và Phạm Văn Du, gây nhiều bức xúc cho thân nhân và cả dư luận nhân dân trong xã. Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường đã có Tờ trình số 56-TTr/HU ngày 20-9-2013 gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đề nghị công nhận hai đồng chí Phạm Văn Du (xã Tân Cương) và Kim Văn Thuần (xã Thượng Trưng) là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945.
Trong tờ trình nêu rõ: Huyện ủy đã tổ chức hai hội nghị ở hai xã trên, thành phần tham dự gồm có các đồng chí lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, các đồng chí trong ban biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ xã, lãnh đạo Đảng ủy xã… Cả hai cuộc họp đã đi đến thống nhất là theo những người cùng hoạt động với hai liệt sĩ thì cả hai đều tham gia cách mạng trước ngày 1-1-1945, còn những người từng tham gia biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ xã đã thừa nhận, khi đó chưa lấy được đầy đủ thông tin nên chỉ đưa vào các sự kiện tiêu biểu, cốt yếu, vì vậy, hai liệt sĩ chỉ được ghi trong cuốn lịch sử thời điểm hi sinh. Huyện ủy huyện Vĩnh Tường đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy căn cứ vào tình hình thực tiễn, công nhận hai liệt sĩ là những người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945.
Việc hai liệt sĩ chưa được công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 là do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc căn cứ vào Hướng dẫn số 30-HD/BTCTƯ quy định không lấy xác nhận của nhân chứng làm căn cứ mà nếu không có hồ sơ lý lịch cán bộ thì dựa vào: … - Hồ sơ của người hoạt động cách mạng đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ; - Người hoạt động cách mạng được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cho xuất bản từ ngày 1-10-2007 trở về trước… Mà cả hai liệt sĩ đều được tặng bằng Tổ quốc ghi công; Huân chương Kháng chiến hạng ba. Đặc biệt, thân mẫu của liệt sĩ Kim Văn Thuần đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH từ năm 2002 (con trai duy nhất là liệt sĩ).
Hai liệt sĩ đã được những người cùng hoạt động, những cán bộ lão thành cách mạng chứng nhận; những người biên soạn lịch sử Đảng bộ xã cũng thừa nhận khi đó chưa lấy đủ thông tin nên chưa đưa được thời gian tham gia cách mạng của hai liệt sĩ vào. Mà thông tin lấy ở đâu? Nếu không phải là do các cán bộ lão thành cách mạng còn sống cung cấp? Điều đó chứng tỏ, việc hai liệt sĩ hoạt động từ trước ngày 1-1-1945 là sự thật hiển nhiên, được xã, huyện công nhận. Thế nhưng phải chăng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quá cứng nhắc. Mà dù có theo quy định thì khi phát hiện có trường hợp như vậy cũng cần có những biện pháp nhanh chóng đề đạt lên T.Ư giải quyết kịp thời, không thể để kéo dài đến nay, đặc biệt là sau khi đã có những hội nghị công khai của xã, huyện đưa ra kết luận thống nhất, đề nghị tỉnh công nhận quyền lợi của hai liệt sĩ.
Hiện dư luận nhân dân ở hai xã Tân Cương và Thượng Trưng rất bức xúc vì sự cứng nhắc đó, nhất là theo phản ánh của người dân, trong khi hai liệt sĩ thực sự hoạt động trước ngày 1-1-1945 thì không được công nhận, còn một số người không hoạt động thực sự, thậm chí có người trong hồ sơ lưu tại xã ghi là đã đầu hàng giặc lại được công nhận là người có công (về việc này, Báo CCB Việt Nam sẽ phản ánh khi điều tra cụ thể trong thời gian tới).
Chúng tôi rất mong, lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lưu tâm, nhanh chóng xem xét trường hợp hai liệt sĩ trên để trả lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho thân nhân các liệt sĩ, không để thiệt thòi cho người có công với đất nước.
Ban CĐCS