Vĩnh Phúc: Người Sán Dìu khát nước sạch vì dự án… bỏ hoang!
Dự án tiền tỷ… bỏ hoang nước sạch thành… “sạch nước”!
Ông Hoàng Văn Khánh - Trưởng thôn Phân Lân Hạ bức xúc nói: người dân chỉ biết Dự án nước sạch do Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc làm Chủ đầu tư cách đây 6-7 năm. Mỗi thôn khi đó được đầu tư khoảng 600 triệu đồng. Khi Dự án triển khai, người dân rất phấn khởi hy vọng sẽ có được nguồn nước sạch để sử dụng và không phải lên núi… lấy nước nữa. Thế nhưng, kết quả sau đó khiến người dân thất vọng vì không ai được hưởng một giọt nước nào từ Dự án này. Hiện trạng đường ống nứt, vỡ, bể nước cạn khô làm nơi cho dán, chuột sinh sống.
Còn ông Hoàng Văn Liên - Thanh tra nhân dân thôn Phân Lân Hạ cho hay: “Gần 200 hộ dân trong thôn chưa được hưởng một giọt nước sạch nào. Đúng là “Dự án nước sạch nhưng thành… sạch nước”.
Vẫn theo ông Liên, thì công trình sau đầu tư không bàn giao cho địa phương quản lý nên Dự án luôn trong tình trạng… “cha chung không ai khóc”. Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, đơn vị thi công thỏa sức đào đường, đổ bê tông đè lên đường ống nước khiến cho đường ống vỡ toác, tắc nghẽn. Không những vậy, khi xây dựng tính toán không kỹ, khiến cho 3 bể chứa nước được xây tại thôn Phân Lân Hạ thì phải đập bỏ một bể để xây dựng sân nhà văn hóa thôn; một bể xây ngay ngã ba đường, gây khuất tầm nhìn nên thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông.
Nghe người dân nói về sự lãng phí của công trình nước sạch tiền tỷ, chúng tôi tìm đến Xóm Gò (xã Đạo Trù) để thực mục sở thị. Đập vào mắt chúng tôi là bể lọc nước được xây dựng bằng hình thức tự chảy (không dùng hệ thống máy bơm), nằm vắt vẻo trên lưng chừng quả đồi cao cũng đang trong tình trạng… bị bỏ hoang. Các hạng mục bể chứa, bể lọc có nắp đậy bằng bê tông rêu mốc, cây cỏ mọc um tùm. Trong bể không một giọt nước, hệ thống khóa van nước hầu như bị… đập phá cụt hết tai vặn… đầy cỏ rác và lá khô, không hề có nước!
“Nước không thể chảy ngược” triền miên thiếu nước
Theo tìm hiểu được biết, thực hiện Chương trình 134 của Chính phủ về hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào miền núi, từ năm 2006, huyện Tam Đảo được đầu tư xây dựng 21 công trình cụm nước sinh hoạt tập trung, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 31 thôn của 6 xã gồm: Đạo Trù, Yên Dương, Bồ Lý, Minh Quang, Đại Đình và Hồ Sơn.
Ông Nguyễn Đắc Vân - Phó chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết: “Xã Đạo Trù được hỗ trợ xây dựng 8 công trình cụm nước sinh hoạt tập trung từ năm 2010, đến nay, chỉ có 3 công trình ở thôn Đồng Quạ, Tân Lập, Lục Liễu là vẫn còn hoạt động. Còn các công trình ở các thôn Phân Lân Thượng, Phân Lân Hạ, Xóm Gò và Tân Tiến bị bỏ hoang do khi vận hành, hệ thống không hoạt động hoặc đã hoạt động nhưng bị hư hỏng”.
Nói về nguyên nhân các công trình nước sạch bị hỏng, ông Vân phân bua: Không hiệu quả là khi bàn giao lại cho thôn, xã quản lý nhưng vốn dĩ địa phương quen theo phương thức được thụ hưởng nên sau một thời gian công trình đưa vào sử dụng đã không thường xuyên được bảo dưỡng, bảo hành kịp thời..., người dân không đóng góp, nên nhanh chóng xuống cấp, không hoạt động. Hơn nữa ý thức người dân trong sử dụng, bảo vệ công trình chưa cao, không sử dụng tiết kiệm nước, còn lãng phí; có hộ có khi còn xả nước sạch xuống ruộng để sản xuất nông nghiệp…, không bảo vệ…
Tuy nhiên, khác với nhận định của lãnh đạo xã Đạo Trù, Trưởng thôn Phân Lân Thượng - ông Lương Văn Mười lại có cái nhìn khác. Theo ông Mười thì các công trình bể chứa xây xong nhưng chưa có nước, bỏ hoang nhiều năm. “Dự án này này có nhiều điểm bất hợp lý. Thứ nhất, không có hệ thông máy bơm nước để vận hành. Thứ hai, đặc biệt điểm tổng của bể chứa xây ở Xóm Gò, rồi qua đường ống dẫn đưa nước về bể chứa ở các thôn khác. Nhưng nước không thể chảy ngược, bởi điểm xây nóc bể chứa còn thấp hơn sân nhà dân nên nước không chảy vào bể nhà dân được, thì nước chảy lên thế nào được?” - ông Mười phân tích.
Cây nước người dân tự làm để có nước bên cạnh công trình nước sạch
Cũng chính bởi không sử dụng được nước sạch từ các Dự án trên, nên nhiều gia đình ở Phân Lân Thượng, Phân Lân Hạ, Tân Tiến, Xóm Gò… đã lập thành các nhóm (từ 5 đến 10 hộ) trong xóm tự đóng góp tiền mua ống nước (hàng triệu đồng) để dẫn nước từ núi Tam Đảo về sử dụng. Có nhóm phải xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng 4, đến 5km đường ống mới có nước dùng... dẫn nước từ trên núi về dùng.
Được biết, mới đây, UBND xã Đạo Trù có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Dự án cấp nước sạch tập trung giai đoạn 1 (2016-2020) với tổng kinh phí lên tới trên 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, để Dự án nước sạch mới không lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân như Dự án trước, thiết nghĩ chủ đầu tư và các ngành chức năng địa phương cần khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến của người dân để phát huy hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư. Bên cạnh đó cần phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh tổ chức - cá nhân liên quan đến công trình nước sạch tiền tỷ bị hoang phế ở Đạo Trù!
Bài và ảnh: Tuấn Mạnh, Doanh Chính, Lê hanh