VINAWACO: PHÁT HUY MỌI NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN KHÔNG NGỪNG (22/11/2010)

Ngày 9/12/1982, Bộ GTVT có Quyết định số 2010/QĐ – TCCB về việc thành lập “Liên hiệp các xí nghiệp nạo vét sông biển”. Đó là tiền thân của Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy ngày nay. Trong quá trình phát triển kinh tế và đổi mới đất nước, Tổng Công ty đã có nhiều tên gọi khác nhau. Ngày 2/12/1995, Bộ GTVT có Quyết định số 4986/QĐ – TCCB thành lập lại doanh nghiệp Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy theo tinh thần Quyết định số 90/QĐ – TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 30/6/2010, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định 1845/QĐ-BGTVT về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng Cty xây dựng đường thủy theo mô hình Cty mẹ-con.

Tình từ ngày thành lập tới nay, trải qua 28 năm xây dựng và phát triển trên cơ sở chuyển về từ Tổng cục Đường biển và cục Đường sông, Tổng Công ty Xây dựng Đường Thủy không ngừng lớn mạnh. Khi mới thành lập, sản lượng của Tổng Công ty chỉ đơn thuần là m3 nạo vét, hàng năm chỉ đạt từ 6 – 7 triệu m3, cho đến nay, qua quá trình kiện toàn và liên tục phát triển, Tổng Công ty Xây dựng đường thuỷ bên cạnh nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường thuỷ còn mở rộng sang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác như xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, tư vấn đầu tư và đặc biệt đã mở rộng sang lĩnh vực xây dựng các công trình cầu, đường giao thông bộ ; công trình thuỷ điện, thuỷ lợi ...

Minh chứng cho quá trình phát triển không ngừng của Vinawaco là những tuyến luồng sông, biển ngày càng sâu hơn, rộng hơn, là những công trình đường thủy, bến cảng ngày càng hiện đại hơn, những con đường giao thông tầm cỡ hơn và những dự án đầu tư quy mô ngày càng lớn hơn, để lại những dấu ấn không phai mờ và được các chủ đầu tư, nhà thầu đánh giá cao như: Công trình nạo vét đưa tàu 600 tấn vào cảng Hà Nội năm 1983-1984; nạo vét nâng cấp luồng tàu biển để đưa tàu 10.000 tấn vào cảng Hải Phòng; san lấp khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội); xây dựng Cụm kè Tứ Liên chống xói lở cho Thủ đô; xây cảng Cái Mép-Thị Vải, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước; làm đường Hồ Chí Minh, đường ô tô cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, đường Láng – Hòa Lạc; xây dựng đập thủy điện Sơn La… và nhiều công trình quan trọng khác. Về mặt tổ chức, Tổng Công ty đã lớn mạnh không ngừng, lực lượng cán bộ công nhân hùng hậu với gần 6.000 người. Với 12 công ty con - đơn vị thành viên và hàng chục Ban điều hành dự án trực tiếp chỉ đạo sản xuất, các “binh chủng” không chỉ thi công ở các dòng sông, cửa biển mà còn tham gia vào thi công trên các công trình cầu, đường giao thông bộ và các loại công trình phục vụ cho quốc phòng, an ninh, thủy điện, thủy lợi…

Để đạt được những sự trưởng thành như hôm nay, Tổng Công ty đã có chiến lược đầu tư và quản lý thiết bị, phương tiện hợp lý. Một trong những phương châm của Tổng Công ty là “Giữ tốt, dùng bền”, bởi vậy hiện tại Tổng Công ty đã có một lực lượng phương tiện hùng hậu, với đội tàu nạo vét đa chủng loại, trình độ cơ giới hóa cao. Một số tàu hiện đại bậc nhất Việt Nam như tàu hút bùn Thái Bình Dương, Long Châu, các tàu xén thổi công suất lớn, ngoạm biển lớn. Cùng với chiến lược đầu tư, đổi mới công nghệ, Tổng Công ty luôn coi trọng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân chuyên ngành, coi họ là người quyết định năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty…

Cùng với sự phát triển về mặt tổ chức, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty cũng có sự tăng trưởng lớn về lượng và chất. Những năm qua, nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động toàn Công ty; sự điều hành sâu sát của đội ngũ lãnh đạo Tổng Công ty qua các thời kỳ, đặc biệt là sự chỉ đạo, giám sát, quản lý và điều hành của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tổng Công ty trong giai đoạn gần đây, Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy đã vượt qua nhiều khó khăn, hạn chế và chấm dứt được tình trạng làm ăn thua lỗ và đã có lãi trong sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty đã dần ổn định và phát triển. Với phương châm: “Tăng cường sản xuất đi đôi với nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh”, kiên quyết không tham gia dự thầu và thi công các dự án có tính rủi ro cao, các dự án chưa có kế hoạch vốn và giá thấp hơn giá bỏ thầu. Đặc biệt, về quản lý điều hành, Tổng Công ty đã tích cực và áp dụng mạnh cơ chế quản lý mới là chuyển từ quản lý hành chính đơn thuần sang quản lý tập trụng, trực tiếp điều hành dự án thông qua các Ban điều hành dự án. Kết quả sản xuất kinh doanh những năm gần đây là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, năng động sáng tạo của tập thể Tổng Công ty. Tổng giá trị sản lượng của Tổng Công ty qua mỗi năm một tăng: năm 2007: 1.141 tỷ đồng, năm 20008 là 1421 tỷ đồng và dự kiến năm 2010 đạt 2000 tỷ đồng với giá trị nộp ngân sách 120 tỷ đồng, lãi 40 tỷ.

Ghi nhận thành tich Vinawaco đã đạt được, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho Tổng Công ty và các đơn vị thành viên nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng LLVTND và Huân chương Độc lập hạng 3 cho Cty Nạo vét và xây dựng đường thủy 1 năm 2002; Huân chương Lao động hạng nhất cho Công ty Công trình đường thủy năm 2001; Huân chương Lao động hạng hai cho Tổng công ty năm 2002, Cty Nạo vét đường biển 1 năm 2001, Cty Tư vấn xây dựng công trình thủy 1 năm 2002; Huân Chương Lao động hạng 3 cho Tổng Công ty Xây dựng đường thủy năm 1992, Cty Công trình đường thủy miền Nam năm 2000. 07 cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3; 07 tập thể được Chính phủ tặng Bằng khen; 16 cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen….

Hơn nửa thế kỷ vững bước, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, kế tục những truyền thống tốt đẹp và nâng cao hơn nữa vị thế của Vinawaco không chỉ trong nước mà vươn ra cả khu vực và trên thế giới. Chắc chắn rằng, thời gian tới, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy sẽ ổn định và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

MAI ANH