Việt “tóp”!
Anh được biên chế vào Trung đoàn Pháo binh 186 thuộc Sư đoàn 312. Sau thời gian huấn luyện ngoài Bắc, đơn vị Việt được lệnh vào Nam chiến đấu. Đúng 5 giờ sáng ngày 30-4-1975 trong khi đang chiến đấu thì anh bị mảnh đạn của địch bắn xuyên từ cánh tay ra sau lưng.
Lúc bị thương chỉ thấy cánh tay đau như xé, máu chảy ướt đẫm tay áo. Anh được đưa về tuyến sau điều trị, ở Trạm Quân y dã chiến vùng ven thị xã Thủ Dầu Một (nay là T.P Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Sau đó anh được đưa về Tổng Y viện Sài Gòn, nay là Viện Quân y 175, và được mổ lấy mảnh đạn ra.
Người mổ cho anh nguyên là trung úy, Bác sĩ quân y của chế độ Việt Nam cộng hòa, nói với anh: chỉ thiếu chút nữa mảnh đạn chạm cột sống, sẽ tước đi mạng sống của anh hoặc làm cho anh nằm liệt vĩnh viễn cho đến hết đời.
Nguyễn Minh Việt được chuyển khẩn cấp ra Quân y Viện 103 điều trị, chăm sóc vết mổ 1 tháng. Rời Quân y Viện 103, anh trở về trạm điều dưỡng của quân đội tại Ninh Bình 3 tháng. Sau đó anh trở về đơn vị cũ sinh hoạt rèn luyện như một người lính pháo bình thường.
Tháng 11-1976, anh được ra quân, xếp loại thương binh bậc 4/4 vĩnh viễn và trở về học Khoa Toán - Lý Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; tháng 10-1981 tốt nghiệp đạt loại khá. Anh được Trường phân công về công tác tại Trung tâm Liên hợp Việt - Xô, nghiên cứu khí tượng nhiệt đới và bão, đến tháng 12-2011 thì nhận quyết định nghỉ hưu sau 37 năm công tác liên tục, tính từ ngày nhập ngũ 9-12-1974. Việt thông minh, học giỏi và là tấm gương khá toàn diện, mà nổi bật nhất là ý chí, nghị lực phấn đấu, rèn luyện vượt lên thương tật để mình không những không phế mà còn không tàn.
Trong 5 năm học đại học, không ai ngờ anh thương binh mà bạn bè vẫn thân mật gọi là “Việt tóp” nặng 46 kg, cao 1m70, ngày nào buổi sáng cũng chạy 5km quanh vườn hoa Pasteur; chiều tập chống tay 80 lần, tối tập tạ nằm 30 lần.
Ra trường, đi làm bận việc, anh đành phải bỏ tập tạ, nhưng sáng nào cũng chạy, còn chiều thì tập môn chống, đẩy tay. Nay ở tuổi 61 anh vẫn chạy 5km buổi sáng, buổi chiều tập vẩy tay 2000 cái (Dịch Cân Kinh) và cứ cách ngày tập tay chống đẩy 50 cái một lần.
Tập luyện như vậy, ý chí kiên cường như vậy, nhưng vết thương năm xưa vẫn thỉnh thoảng hành hạ làm thị lực anh giảm ghê gớm.
Cũng vì mắt kém mà tháng 2-2006, đi bộ qua đường, anh bị một thanh niên đi xe máy tông vào làm gãy xương mác và vỡ mắt cá chân, phải vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nối xương mác, nẹp vít xử lý vỡ mắt cá chân... Nằm viện chân đau như vậy nhưng hằng ngày anh vẫn tập các bài luyện cơ tay, luyện thở với sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Sau 3 tuần nằm viện, anh trở lại cơ quan làm việc.
Chị Bạch Hiền Lương là vợ anh, công tác ở Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn, về hưu năm 2014. Một lần chị dãi bày với tôi:
- Em ân hận nhất là hồi còn trẻ cứ ngấm ngầm trách anh Việt không chịu đưa vợ con đi chơi bao giờ. Ngày em còn đi làm cũng thế, hầu như chưa bao giờ anh Việt đến cơ quan em. Sau này em mới biết chân anh Việt rất yếu. Nhất là sau lần bị tai nạn giao thông thị lực của anh giảm rất nhiều... Cũng lỗi ở anh ấy bệnh tật mà giấu vợ, giấu con.
Sống nhân nghĩa, nghị lực và luôn biết hi sinh, nên anh được vợ, các con và bạn bè rất thương yêu, mến phục. Việt trở thành tấm gương cho vợ con và nhiều người noi theo.
Do có năng khiếu học các môn tự nhiên, nhất là môn toán, nên cả 2 con của anh chị cũng đều học tập tốt và đặc biệt là rất ngoan, chăm chỉ. Cháu lớn tốt nghiệp trường Đại học Génétic (Singapore) ra trường làm việc trong một hãng truyền thông trong nước. Cháu thứ hai tốt nghiệp khoa Kinh tế Đối ngoại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Dù công việc làm ăn của cháu khá tốt, nhưng cháu vẫn quyết định tham gia thi tuyển dành suất học bổng toàn phần; chuẩn bị đi du học ở Cộng hòa Pháp để bảo vệ luận án Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh.
Nguyễn Minh Việt là bạn tôi từ thuở học trò.
Lớn lên vào đại học và hai đứa cũng đều đi bộ đội... Đến bây giờ tôi vẫn không quên đôi mắt rực sáng, nụ cười tươi để lộ hai hàm răng trắng toát trên khuôn mặt còn tái xanh khi anh vịn tay giữa hai chiếc giường bệnh đón tôi đến thăm tại Quân y Viện 103 tháng 5-1975.
Phải chăng đó là gương mặt bình minh. Vẻ đẹp bình dị mà lộng lẫy làm nức lòng tất cả những người trân trọng và quý mến anh.
Vũ Minh Thiều