Viết tiếp vụ “Dấu hiệu xét xử oan sai một CCB ở Bắc Ninh”: 24 tháng tù và nỗi oan khuất cần làm rõ

Khi cán cân công lý bị… “nẩy lệch”?
Theo Cáo trạng và Kết luận điều tra (KLĐT) của cơ quan tố tụng huyện Yên Phong, ngày 25-8-2014, tại Công ty CP Thương mại và XNK Yên Phong, địa chỉ: Phố Chờ, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong xảy ra sự việc xô xát giữa ông Ngô Văn Phụng - Giám đốc Công ty với ông Vũ Công Sửa (sinh năm 1957) là chồng của một nữ cán bộ của công ty này đã nghỉ hưu.
Nguyên nhân xích mích, ẩu đả với nhau là do ông Phụng và ông Sửa có khúc mắc trong chuyển nhượng cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Nam (vợ ông Sửa) cho ông Sửa từ nhiều năm trước không được ông Phụng giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, Cáo trạng và KLĐT miêu tả vụ ẩu đả: Hai bên gặp nhau ở cầu thang, lời qua tiếng lại; ông Phụng dùng một vật gì đó ném vào mặt ông Sửa làm chảy máu mũi và tiếp tục đấm vào mang tai bên phải. Sau đó, ông Phụng chạy vào phòng làm việc của mình. Do bị đánh nên ông Sửa đuổi theo để đánh lại. Ông Phụng chạy vào bàn làm việc, khom người rút ngăn kéo ra lấy đồ thì bị ông Sửa đứng đối diện qua bàn làm việc, dùng hai tay đấm vào mặt. Đồng thời, do bực tức nên tay phải ông Sửa có vơ được trên bàn một vật cứng có cạnh dài khoảng 15cm, cầm vừa lòng bàn tay đập nhiều cái vào mặt ông Phụng. Do bị đánh nên ông Phụng cầm dao gọt hoa quả khua trúng ngực ông Sửa. Thấy vậy, ông Sửa lùi lại vấp dây bị ngã, rồi vùng dậy chạy ra hành lang. Sau đó, ông Sửa cầm thanh sắt hộp cạnh 1,5cm dài 1,27m quay lại đánh ông Phụng.
Sau khi được ông Nguyễn Văn Phục, cán bộ của Công ty can ngăn nhưng ông Phụng lại nhặt viên gạch ném về phía ông Sửa. Ông Phụng tiếp tục lấy một chiếc ghế Xuân Hòa ra cửa ngăn không cho ông Sửa đánh mình. Lúc này, mọi người đưa ông Phụng, ông Sửa đến Bệnh viện Đa khoa Yên Phong để cấp cứu.
Tiếp đó, ông Phụng vào điều trị tại Bệnh viện Vinmec từ ngày 25 đến 27-8-2014, rồi chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị từ ngày 28-8 đến 3-9-2014. Ông Phụng lại tiếp tục điều trị thêm hai đợt tại Bệnh viện Vinmec từ ngày 11 đến ngày 12-9-2014 và từ ngày 15 đến 16-9-2014. Kết luận giám định pháp ý của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nêu tổng tỷ lệ thương tật của ông Phụng tại thời điểm giám định là 24%, “Chấn thương sọ não và phần mềm cùng đầu mặt do vật tày, vật tày có cạnh gây nên”.
Ngày 11-6-2015, TAND huyện Yên Phong đã xét xử sơ thẩm tuyên bị cáo Vũ Công Sửa tội cố ý gây thương tích, phạt 24 tháng tù giam. Tuy nhiên, đến ngày 18-9-2015, TAND tỉnh Bắc Ninh có Bản án hình sự phúc thẩm số 38/2015/HSPT, theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy:
Về tội danh: Quá trình điều tra bị cáo Sửa khai khi khai nhận có dùng vật gì đó cứng trên bàn làm việc của ông Phụng đập nhiều cái vào đầu và mặt của người bị hại. Trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, bị cáo Sửa đã gửi Tòa án huyện Yên Phong bản cải chính thay đổi lại lời khai tại CQĐT. Bị cáo cho rằng quá trình điều tra do bị dụ cung và lần đầu va chạm với pháp luật nên khai không đúng với diễn biến vụ án.
Còn đối với người bị hại, ông Phụng khẳng định bị cáo Sửa khi vào trong phòng làm việc của ông, đã đứng sát bên tay phải ông, tay trái khoác qua vai, sau đó vòng xuống ôm cổ, tay phải cầm một chiếc búa đinh, cán đã cưa ngắn dài khoảng 10cm, đập liên tiếp nhiều nhát vào đầu, mặt, ngực, bụng (khoảng 7 nhát), gây thương tích cho ông Phụng.
Tuy nhiên HĐXX nhận thấy, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Lời khai của bị cáo, của bị hại chỉ được coi là chứng cứ buộc tội khi nó phù hợp với các chứng cứ khác được thu thập trong quá trình điều tra. Trong vụ án này, khi xảy ra xô xát chỉ có bị hại và bị cáo; lời khai giữa bị hại và bị cáo có sự mâu thuẫn với nhau; công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu, vết đồ vật chứng minh tội phạm còn nhiều thiếu sót; việc đánh giá chứng cứ chưa được khách quan toàn diện, đặc biệt là bản ảnh hồ sơ hiện trường không được đưa vào ngay từ đầu vụ án... Vì thế, việc đánh giá chứng cứ của CQĐT, VKS và HĐXX sơ thẩm chưa được khách quan, toàn diện, cần phải hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại theo thủ tục chung.

Nhiều tình tiết cần làm rõ trong vụ án
Ngày 17-6-2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong có Bản KLĐT lại số 74 nhưng những tình tiết như Bản án HSPT số 38 của TAND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu chứng minh dường như không thể hiện nhiều tình tiết mới, thậm chí vẫn có những mâu thuẫn trong chứng minh tình tiết. Ví như, ông Phụng dùng viên gạch lỗ ném về phía ông Sửa thì chắc chắn viên gạch rơi xuống nền nhà sẽ vỡ, không thể nguyên vẹn! Nhưng trong Cáo trạng, KLĐT và cả bản án sơ thẩm của TAND huyện Yên Phong luôn nhắc đến tang vật thu được gồm có… viên gạch và còn đề nghị tiêu hủy viên gạch này?!...
Tiếp đó, ngày 19-1-2017, TAND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 2. Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện cơ quan giám định tỉnh Bắc Ninh cũng được mời đến làm việc. Tại đây, vị đại diện cơ quan giám định khẳng định với vết thương như kết quả giám định pháp y xác định ông Phụng tụ máu dưới màng cứng 3,3mm thì không thể khỏe mạnh minh mẫn khi xảy ra vụ việc. Các bác sĩ đều phải yêu cầu bệnh nhân nằm theo dõi từ 3 đến 5 ngày. Thế nhưng với tình hình sức khỏe của ông Phụng không hoàn toàn như vậy. Ngày 25-8-2014, sau khi xảy ra xô xát, ông Phụng vào Bệnh viện Đa khoa Yên Phong sơ cứu, sau đó về làm việc tại cơ quan Công an thị trấn Chờ đến 20 giờ, rồi trở về nhà (tại số 706 T3 Times City, Hà Nội) và vào Bệnh viện Vinmec Hà Nội kiểm tra. Trước khi đến viện, ông Phụng vẫn đủ minh mẫn mẫn làm đơn đề nghị thu giữ chứng cứ có xác nhận của UBND phường Thịnh Liệt?
Một điều cần lưu ý, các thương tích ban đầu được ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Yên Phong đều cho tỷ lệ chấn thương tổng cộng 3%. Tỷ lệ này cũng phù hợp với các thương tích được Bệnh viện Thanh Nhàn xác định ngày 18-9-2014, đặc biệt là chi tiết chụp CT Scanner não không có tổn thương.
Trong khi đó ngày 25-8-2014, ông Phụng vào Bệnh viện Vinmec kiểm tra, bệnh viện này lại xác định tụ máu màng cứng trán phải 3,3mm. Nhưng một ngày sau, ngày 26-8, vết thương tụ máu chỉ còn 2mm?!
Luật sư Hoàng Hữu Sơn - Trưởng Văn phòng luật sư Sơn Hoàng và Cộng sự nhìn nhận: Quá tình tranh tụng, tham gia bào chữa cho bị cáo Sửa, ông đã tham vấn nhiều ý kiến của bác sĩ chuyên khoa sọ não, được các bác sĩ khẳng định: “Người có vết tụ máu dưới màng cứng não có độ dày như trường hợp ông Phụng phải có biểu hiện lâm sàng như nói ngọng, mê man…, đằng này ông Phụng vẫn tỉnh táo như không có chuyện gì xảy ra… Tôi thấy có điều gì đó không bình thường trong vụ án này - luật sư Sơn nói!
Liệu có hay không một sự dàn dựng vụ việc, sắp đặt một diễn biến vụ việc để gài bẫy CCB Vũ Công Sửa vướng vào lao lý? Bởi trước đó như Báo CCB Việt Nam đã đưa tin trong bài viết với tiêu đề: “Nhiều cuộc gọi điện thoại “kỳ lạ” cho người nhà bị cáo”, đăng trên số 1165, ra ngày 2-3-2017 đã thể hiện nhiều điều bất thường trong vụ án của CCB Vũ Công Sửa cần phải sớm được làm rõ!
Chính Nhi