Hy sinh thầm lặng
“Cha tôi bị giặc giết mất xác, chồng tôi hy sinh, bao năm rồi chẳng biết giờ họ nằm nơi đâu? Nhưng…”. Câu nói ngẹn lại trong nước mắt nhạt nhoà oà xuống quầng mắt khắc khoải của bà Lê Thị Chạy, vợ liệt sĩ Đoàn Anh Thông làm không gian lặng đi.
Ông Thông nhập ngũ năm 1965. Cũng như rất nhiều mối tình thời chiến, những trang thư là kênh duy nhất gắn người lính và cô gái làng hiểu nhau, thương nhau để đến năm 1968 ông bà cưới nhau. Sau đêm tân hôn, ông Thông phải trở lại đơn vị chiến đấu ngay. Nỗi nhớ chồng và cảm giác lần gặp nào cũng có thể là lần cuối cùng đã kéo bước chân bà chạy dọc theo địa chỉ trong lá thư của chồng trên các mặt trận.
“Tôi cũng chẳng biết đích xác nhà tôi là lính gì. Chỉ nhớ đầu năm 1970, khi bắt được thư của chồng, tôi đi bộ lên Cầu Đuống gặp nhau được non một tiếng thì thấy ông ấy bảo là làm thông tin, nhưng đến tháng 7-1971 lại thấy ông ở trong một đơn vị pháo ở Rừng Sim (Nam Định) trước khi vào mặt trận”.
Tháng 8-1971, đúng lúc có cơn bão khủng khiếp đổ vào, ông bà gặp nhau lần cuối. “Chính trong đêm hôm ấy, ông đã kịp để lại cho tôi đứa con”, bà Chạy nhìn sang con trai Đoàn Nam Phong rồi lại nhìn lên di ảnh ông Thông.
Lá thư cuối cùng ông gửi bà đề ngày 16-11-1971. Từ đó đến sau năm 1975 bà không nhận được tin tức gì của chồng nữa. “Chiến tranh ác liệt, lấy đâu ra thời gian biên thư”, bà nghĩ thế. Năm 1972 bà sinh con. Trong lúc một mình nuôi cậu con trai chưa tròn tuổi, ông bố chồng bị ngã từ mái nhà xuống khi đang dọi lại mấy viên ngói hỏng; cụ nằm liệt giường cho tới khi chết.
Khắc khoải nuôi con trong mòn mỏi tin chồng. Sau Đại thắng 1975 vẫn không có tin tức gì của chồng, năm 1976 bà quyết định ôm con trong hành trình tìm lại.

Không chỉ là hành trình tìm lại
“Nếu như còn sống không tìm thấy hài cốt của ông, thì khi tôi chết đi, con tôi, cháu tôi và những thế hệ sau này vẫn phải đi tìm”. Đó những lời bà Chạy thường nói về hành trình đi tìm mộ chồng.
Trở lại hành trình ban đầu, khi ít ỏi những người lính năm ấy trở về, bà gặp được ông Trần Văn Hoạt, quê Hải Hậu, mới biết chồng mình đã hy sinh. Chính ông Hoạt là người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Đoàn Anh Thông và cũng phải sau đó gần 1 năm, nhờ sự xác minh của đồng đội của chồng, bà mới nhận được giấy báo tử.
Những vết thương đã khiến sự minh mẫn của ông Hoạt giảm sút. Theo như lời kể của ông Hoạt thì Đoàn Anh Thông hy sinh cùng 5 pháo thủ khác vào chiều 26-11-1971 tại miền tây Quảng Bình. Nghe vậy, bà Chạy gửi con nhờ hàng xóm trông nom rồi đi vào xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tìm mộ chồng, nhưng chẳng ai biết đích xác quả đồi nơi diễn ra trận đánh theo lời kể của ông Hoạt.
Năm 1994, khi con trai đã lớn, cả hai mẹ con lại “Nam tiến” trong hành trình tìm kiếm.
Anh Phong kể: Biết hai mẹ con tôi đi tìm mộ cha nên đến đâu mọi người cũng nhiệt tình giúp đỡ, khổ cái giữa trùng trùng đồi núi ấy làm sao biết được dưới chân quả đồi nào cha nằm lại, thế nên đành quay ra. Năm 2004, nghe danh tiếng nhà ngoại cảm Năm Nghĩa, hai mẹ con mừng vội đi tìm, nhưng tất cả vẫn vô vọng. Đến năm 2009, ông Hoạt nhớ thêm được mấy chi tiết nữa về cha. Một là, 6 người cùng hy sinh hôm ấy được chôn thành 2 hàng, trên túi của cha tôi vẫn còn cái bút; hai nữa, vì cha bị mảnh bom găm vào bụng nên đã lấy bát úp lên đó; ba là, chỗ ấy “hình như” cách “cổng trời” khoảng 10km ngược về phía xã Dân Hoá, huyện Tuyên Hóa. Hai mẹ con lại tiếp tục đi tìm, nhưng rồi cũng không có kết quả gì.
“Gia đình đã đi đến các cơ quan chính sách của huyện, tỉnh, Quân chủng PK-KQ và cả Bộ Quốc phòng nữa, nhưng không ai biết đích xác hồ sơ của liệt sĩ Đoàn Anh Thông giờ đang ở nơi đâu”, anh Phong chia sẻ.
Chiều hè lững thững buông. Câu chuyện từ bà Chạy cứ ám ảnh tôi trên chuyến xe trở về Hà Nội. Tôi như nghe thấy lời nói của người vợ liệt sĩ, đại ý, có vô vàn người đồng cảnh như bà, nhưng hành trình tìm chồng của bà là thông điệp sống cho những người còn sống thấy được sự hy sinh của lớp cha anh mình. Tôi cũng chợt rùng mình khi đâu đó vẫn còn nhiều lắm những “anh hùng quán nước”, những “siêu hùng bàn phím”, những “xạ thủ thuốc lào”... đang chễm chệ ngồi đòi xét lại các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, khi cả dân tộc đã đổ biết bao xương máu mới giành được độc lập, tự do. Liệu họ có biết, dưới gầm trời này, còn nhiều lắm những hành trình đi tìm, dẫu chỉ là một thông điệp nhỏ về sự hy sinh lớn lao của bao người mà mẹ con bà Lê Thị Chạy là một minh chứng?
Tôi thì cho rằng, ta ý thức được sự sống thì cuộc sống sẽ dạy ta biết sống đẹp hơn.
Ngô Tiến Mạnh