Viết tiếp bài viết: “bất cập trong giải quyết đất đai, tước đoạn quyền lợi của gia đình liệt sĩ ở Bắc Giang”: Nhiều điểm trong quyết định của chủ tịch tỉnh có trái pháp luật?
Ông Thọ và chị gái bên thửa đất ao bị tranh chấp.
Như số báo 1520, ra ngày 28-12-2023, Báo CCB Việt Nam có bài viết phản ánh về việc UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Phạm Văn Thọ (con liệt sĩ Phạm Văn Lợi) và ông Phạm Văn Dính (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Điều đáng nói, sau quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang có nhiều điểm được luật sư chỉ ra không đúng pháp luật…
Giải quyết tranh chấp dựa trên toàn lời khai miệng?!
Theo hồ sơ, tài liệu vụ việc, khi giải quyết tranh chấp đất đai, nhiều lần chính quyền thừa nhận: Ông Phạm Văn Thọ (con liệt sĩ Phạm Văn Lợi) có tên trên bản đồ địa chính. Cụ thể, tờ bản đồ địa chính số 56, đo đạc năm 2008, hồ sơ kỹ thuật thửa đất UBND thị trấn Thắng đang lưu trữ, tại phần chủ sử dụng đất có tên ông Phạm Văn Thọ.
Quá trình làm việc với các cơ quan, ông Thọ khai báo: “Nguồn gốc đất là của bố tôi (liệt sĩ Phạm Văn Lợi); ông Lợi khai hoang sau đó để lại cho các con quản lý, sử dụng. Thời gian tôi đi học ở trường dành cho con em liệt sĩ, và đi tu thì ông Dính cố tình chiếm đất, sử dụng. Sau khi tôi về quê hương sinh sống thì tôi tiếp tục sử dụng…”.
Thế nhưng khi đi đến kết luận giải quyết tranh chấp này, luật sư Phan Thị Tĩnh - Đoàn Luật sư T.P Hà Nội cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ dựa vào lời khai miệng, hồ sơ do ông Phạm Văn Dính cung cấp cùng một số cán bộ địa phương lập văn bản, giấy tờ năm 2022 để xác định ông Dính sử dụng đất ổn định liên tục từ 1980 đến 2022.
Theo luật sư Tĩnh, đây là nhận định không đúng, bởi theo Điều 21 của Nghị định 43/NĐ-CP quy định thì căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định là:
“1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất….
2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:
i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;
k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký về quyền sử dụng đất”.
Ông Dính có bản kê khai đăng ký quyền sử dụng đất vào năm 2022 nhưng tài liệu này có sau Hồ sơ địa chính có tên ông Thọ từ năm 2008. Như vậy có thể thấy việc sử dụng đất của ông Dính không liên tục bởi chứng cứ thể hiện trên giấy tờ là hồ sơ kỹ thuật thửa đất ghi rõ: “Số hiệu thửa đất số 40, tờ bản đồ địa chính số 56; Địa chỉ: Thôn Việt Hùng; Mục đích sử dụng đất: Nuôi trồng thủy sản; Tờ bản đồ địa chính số 56; Số hiệu mảnh bản đồ gốc: 361392-1-b và tên chủ sử dụng Phạm Văn Thọ”.
Thực tế, nhiều năm qua ông Thọ vẫn sử dụng ao này. Ông Thọ đã ngâm gỗ làm nhà; chị gái ông Thọ cấy rau cần và diện tích này sát Nhà tình nghĩa chính quyền xây cho ông Thọ nên không thể nói rằng ông Dính liên tục sử dụng thửa đất số 40, tờ bản đồ số 56, diện tích 297,4m2” - luật sư Tĩnh cho biết tiếp.
Bác bỏ giá trị pháp lý của bản đồ địa chính là không tuân thủ quy định pháp luật
Vẫn theo luật sư Tĩnh, quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng hồ sơ kỹ thuật thửa đất không có chữ ký của người sử dụng đất, nên giá trị pháp lý cần xem xét. Tuy nhiên, xem xét chứng cứ này, luật sư Tĩnh nhận thấy trên hồ sơ kỹ thuật thửa đất có tên người sử dụng đất là Phạm Văn Thọ (phần đầu tiên) và có con dấu xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền của Sở TNMT tỉnh Bắc Giang thì hồ sơ địa chính đứng tên ông Thọ là hợp lệ.
Nói là thế bởi theo khoản 4 Điều 3 của Luật Đất đai 2013: “4. Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”. Trong vụ việc này, bản đồ địa chính đã có xác nhận của cơ quan chức năng. Đồng thời, giá trị pháp lý của Hồ sơ kỹ thuật thửa đất là tài liệu thuộc hồ sơ địa chính theo quy định tại Điều 7, Thông tư 24/2004/TT-TNMT ngày 19-5-2014 nêu rõ: “1. Hồ sơ địa chính làm cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác định quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai”.
Tại bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính năm 2008 thể hiện ông Thọ là người sử dụng đất (ít nhất là từ thời điểm 2008); vì vậy, Quyết định số 1818 cho rằng ông Dính sử dụng đất liên tục, ổn định là không đúng quy định tại Điều 21, Nghị định 43/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Một điểm nữa cũng dễ nhận thấy về việc nhiều cán bộ địa phương ở thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã lập hồ sơ xác nhận cho ông Phạm Văn Dính sử dụng đất ổn định để làm cơ sở đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận QSDĐ năm 2022 mà không dựa trên các quy định pháp luật và thực tế.
So sánh về giá trị thực tế của bản đồ địa chính, luật sư Tĩnh phân tích: Quyết định 1818 của UBND tỉnh Bắc Giang có nêu: “Hồ sơ của thửa đất liền kề cũng không có chữ ký của ông Thọ” để làm căn cứ bác quyết định giải quyết khiếu nại trước đó của UBND huyện Hiệp Hòa xem xét giải quyết QSDĐ thuộc về ông Thọ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, đánh giá lại bởi chính gia đình ông Thọ còn có 03 thửa đất khác dù không có chữ ký ở phần người sử dụng đất (góc bên trái) tại hồ sơ kỹ thuật thửa đất nhưng các thửa đất này đều đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Thọ. Bởi vậy, giá trị pháp lý của hồ sơ kỹ thuật thửa đất đứng tên ông Thọ là không thể tranh cãi, nó có giá trị theo pháp luật và đúng trên thực tế. Một khi Quyết định số 1818 giải quyết chưa “thấu lý đạt tình” sẽ làm công dân Phạm Văn Thọ (là người có Huy chương hiến thận, hiến máu cứu người; sống có đạo đức và trách nhiệm với xã hội) mất niềm tin với chính quyền, mất niềm tin của gia đình liệt sĩ vào chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Cũng cần phải khẳng định thêm, các tài liệu trong hồ sơ địa chính bao gồm bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính là tài liệu do chính cơ quan nhà nước xác lập. Việc phủi bỏ giá trị pháp lý của các tài liệu này chỉ vì lỗi của chính cơ quan nhà nước (lúc đo đạc chưa lấy chữ ký của ông Thọ) sẽ gây tiền lệ xấu trong việc quản lý, sử dụng đất đai, phá bỏ giá trị của pháp lý, pháp quyền trong việc xác lập quyền sử dụng đất của công dân. Mặt khác, Quyết định 1818 của Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu xử lý cán bộ tham mưu tại UBND huyện Hiệp Hòa khi mà Quyết định 1818 có nhiều điểm lập luận trái với quy định pháp luật, thậm chí là bác bỏ Quyết định 3078 của UBND huyện Hiệp Hòa sẽ gây ra tiền lệ xấu, khiến các cán bộ thực thi pháp luật hoang mang, không dám quyết định đúng – luật sư Tĩnh nói!
Bài và ảnh: Tư Hoành